Màu bắt mắt của bát bún đỏ có thể kích thích sự tò mò của những ai chưa từng thử món này. Người Hà Nội đã quen với bún riêu có màu đỏ từ nước, song sợi bún cũng có màu này thì khá lạ lẫm.
Bún đỏ là đặc sản bình dân của người Đăk Lăk, được nhiều người ví như màu của vùng đất bazan. Sợi bún to, màu đỏ do nhuộm với dầu hạt điều. Bún gần giống với bún riêu của miền Nam. Nước dùng ninh từ xương lợn, bò và nước riêu cua, tôm nên có vị ngọt đặc trưng. Sợi bún to, chắc, giống trong bánh canh hoặc bún bò Huế.
Bát bún được xem là sự kết hợp hương vị đa dạng nên phần nhân cũng phong phú gồm chân giò, thịt lợn, trứng cút, viên riêu tôm, chả cua, hành khô, giò tai, tóp mỡ... Đây là tinh thần của một món ăn vùng Tây Nguyên, thể hiện sự trù phú, dồi dào.
Trước khi bưng ra cho thực khách, người làm bún rắc thêm ít hành khô cho dậy mùi. Khi ăn bạn vắt quất hoặc giấm để cân bằng lại hương vị, tránh bị ngấy khi bát bún có nhiều nhân.
Hiện Hà Nội có một quán bún đỏ trên phố Chùa Láng. Chủ quán học từ Buôn Ma Thuột, song điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị người Hà Nội, như cho ít mắm hơn. Nếu muốn ăn sát vị với bản gốc, bạn có thể ghé quán vào thứ 7, chủ nhật. Quán mở được 3 năm, giá từ 35.000 đến 55.000 đồng, có các suất nhỏ, lớn và đặc biệt. Thực khách có thể chọn bún đỏ làm quà trưa và tối. Quán mở cửa từ 10h đến 21h.
Khánh Ly, 24 tuổi, đã ăn bún đỏ ở Buôn Ma Thuột, so sánh: "Tô bún đỏ ở cả hai nơi đều hài hòa, dễ ăn. Ở Buôn Ma Thuột có thêm phần rau chần, bún đậm đà vị mắm hơn. Ở Hà Nội thì ấn tượng của mình là miếng riêu tôm thơm, bùi béo".
Trung Nghĩa