Cách đây gần hai tháng, đội U19 Việt Nam tham dự vòng chung kết châu Á. Trước khi đi, dư luận đặt hy vọng rất cao, nhưng kết quả lại vô cùng bất ngờ, thua đậm Hàn Quốc 0-6 (đội chúng ta hy vọng sẽ đá ngang ngửa rồi thắng), thua Nhật 1-3 (đội chúng ta hy vọng sẽ đá ngang ngửa) và hòa Trung Quốc (chúng ta nghĩ sẽ thắng dễ).
Trước giải, U19 Việt Nam đã đạt được một loạt kết quả khả quan trước những đối thủ tương đối ngang tầm (Nhật, Myanmar, Thái Lan – Myanmar và Thái Lan đều vào sâu ở giải này), vậy vì sao khi vào giải lại đá tệ như vậy?
Suzuki Cup 2014 đang diễn ra, đội tuyển Việt Nam đã vào bán kết và có vẻ đang tràn đầy hy vọng vào chung kết hoặc đi xa hơn nữa. Như mọi người hâm mộ khác tôi cũng đặt rất nhiều hy vọng vào đội nhà. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi muốn viết bài này.
Có bạn sẽ hỏi đội tuyển đang thành công sao lại lo xa làm gì? Nhưng đó chính là ý định của tôi, nói ra trước khi bóng lăn chứ nếu mọi sự an bài rồi thì khác nào tát nước theo mưa. Còn nếu có sự linh ứng nào đó làm cho những lo lắng của tôi là thừa thì còn gì vui hơn nữa, các bạn có muốn trách móc gì tôi cũng vui lòng nhận.
Ngược dòng lịch sử, kể từ 1995 (khi Việt Nam lần đầu vào chung kết sau khi tái hòa nhập) tới nay, chúng ta đã không ít lần vào bán kết, chung kết các giải khu vực (Suzuki Cup hay SEA Games). Chỉ tính riêng Suzuki (hay Tiger Cup), trong 9 lần tổ chức Việt Nam đã 7 lần vào đến bán kết (giải thứ 10 năm nay 2014 sẽ là lần thứ 8 vào bán kết) với 2 lần vào chung kết. Còn ở SEA Games, từ 1995 tới nay chúng ta cũng đã 7 lần vào bán kết, trong đó 5 lần vào chung kết.
Những con số đó chỉ đứng sau Thái Lan và cao hơn hẳn những nước khác trong khu vực. Nó cho thấy nếu chỉ nhìn vào trình độ, khả năng chuyên môn thuần túy, cầu thủ Việt Nam không hề thua kém cầu thủ các nước khác. Kể cả khi so sánh với cầu thủ Thái Lan, sự thua kém (nếu có) cũng chỉ là một chín một mười, chứ không hẳn đã thua sút vượt trội như khi so với (chẳng hạn như) cầu thủ Đức hay Brazil.
Thế nhưng, với số lần vào bán kết, chung kết đó, đã bao nhiêu lần Việt Nam đi đến đích cuối cùng, dâng cao cúp vô địch? Đúng một lần duy nhất. Không biết bao nhiêu lần chúng ta đã vào đến chung kết với một đối thủ ngang tầm (nếu không muốn nói là yếu hơn) nhưng lại tức tưởi sụp đổ khi hồi còi hết trận vang lên.
Thất bại thì nhiều, nhưng tôi chỉ đưa ví dụ ba lần đau đớn nhất mà có lẽ chưa người hâm mộ nào quên được: trận chung kết Tiger Cup năm 1998, trận chung kết SEA Games 2003 (đều ở Hà Nội) và trận chung kết SEA Games 2009 trên đất Lào.
Vì sao như vậy? Vì sao ở những trận đầu tiên khi chưa ai biết đội tuyển đá đấm ra sao, chưa có nhiều kỳ vọng, chúng ta thường đá tương đối tốt, nhưng khi vào sâu hơn (bán kết hay chung kết), khi người hâm mộ đã ít nhiều tin tưởng và hy vọng, khi kết quả một trận đấu quyết định cả giải, khi tình thế trở thành “được ăn cả ngã về không”, chúng ta thường thua?
Nguyên nhân được dẫn ra thì nhiều, tuy nhiên tôi nghĩ phần lớn đều không thuyết phục (cầu thủ kém, huấn luyện viên không giỏi đọc hay không điều chỉnh trận đấu, thời tiết, thức ăn, mặt sân, đèn laze) hoặc nếu xảy ra thì chỉ trong một vài trường hợp rất hy hữu (cầu thủ bán độ) chứ không thể giải thích cho cả 14 lần vào bán kết nhưng chỉ một lần vô địch.
Nguyên nhân quan trọng nhất theo tôi nghĩ chính là tâm lý cầu thủ. Cầu thủ (và vận động viên thể thao nói chung) của chúng ta không mạnh về tâm lý. Tâm lý đôi khi cũng được đưa ra như một cách giải thích cho thất bại, tuy nhiên bao giờ cũng đi theo chiều hướng tiêu cực:
Thứ nhất, nếu Việt Nam được coi là mạnh hơn (ví dụ như năm 2009): thua vì áp lực người hâm mộ, áp lực phải thắng, cóng chân, không đá được.
Thứ hai, nếu Việt Nam ngang cơ với đối phương: trình độ của mình chỉ đến thế, họ may mắn hơn, mình không may, cầm bóng nhiều, tấn công nhiều nhưng không ghi bàn, chấp nhận thua.
Thứ ba, nếu Việt Nam được coi là kém hơn (không kể ít hay nhiều): chấp nhận thất bại, thua vì đẳng cấp đối phương cao hơn.
Tóm lại là chẳng có cách nào giúp cho cầu thủ Việt Nam đá hay hơn, thanh thoát hơn. Ở những trận quan trọng, tâm lý luôn là gánh nặng nghìn cân đeo vào chân cầu thủ.
Cần nói thêm rằng hội chứng tâm lý không chỉ ảnh hưởng các cầu thủ bóng đá mà các môn thể thao khác nữa. Tôi chỉ xin đơn cử một môn mà tâm lý có tác động rất lớn đó là bắn súng.
Công bằng mà nói, vận động viên bắn súng Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực. Ở các giải trong nước, thành tích của một số nội dung đã lên đến tầm châu lục hay thế giới. Nhưng khi ra nước ngoài thi đấu, nhất là các giải đình đám như Asiad hay Olympic thì y như rằng nếu không gặp vấn đề này cũng gặp vấn đề khác, và rất nhiều lần tâm lý kém đã tước đi huy chương tưởng đã nằm trong tầm tay.
Nói vậy không có nghĩa là người Việt Nam có gien yếu tâm lý. Không ai mới sinh ra đã có thần kinh thép. Một tâm lý vững, tự tin phụ thuộc vào quá trình tập luyện từ nhỏ, vào môi trường sinh sống, và vào sự giúp đỡ, định hướng tâm lý từ huấn luyện viên và chuyên gia tâm lý. Đáng buồn là tất cả những yếu tố này đều thiếu ở Việt Nam.
Trước tiên, quá trình thi đấu từ nhỏ: Tâm lý vô tư, đá chơi chơi, trận làng nhàng thì rất hay, nhưng đến khi cần thể hiện thì lại thiếu tỉnh táo, yếu hơn thì cứ canh cánh mình yếu hơn, mạnh hơn thì lại vương vấn “ta mạnh hơn” ở trong đầu, rồi mơ tới cái kết cục đẹp (đoạt cúp) mà quên đi rằng vẫn còn 90 phút chưa đá.
Trong bắn súng thì những phát đầu bắn tốt, nhưng gần về cuối lại để đầu óc lãng ra, mơ tới cái huy chương trong tầm tay nên những phát cuối cùng bắn rất tệ.
Tiếp đó là môi trường, truyền thông tối ngày toàn bàn kết quả thi đấu: bốc thăm vòng bảng thì chăm chăm lo “bảng tử thần”.
Cả vùng Đông Nam Á chỉ có từng đó đội, đá đã mòn giày rồi, mình đã thuộc diện “chiếu trên” trong khu vực còn tử thần gì nữa? Gặp đội yếu hơn thì nói chuyện như thể đã giành cúp đến nơi (họ yếu hơn nhưng có thắng được không đã? Gặp đội mạnh hơn thì chấp nhận, buông xuôi (họ mạnh hơn thì mình càng phải quyết tâm thắng chứ?).
Bàn kết quả thi đấu (nhất là những môn có xếp hạng chi tiết như cầu lông hay cờ vua) thì toàn đem thứ hạng để bình phẩm mà không biết rằng thắng thua là chuyện rất thường, thứ hạng cao hơn không có nghĩa lúc nào cũng phải thắng, thấp hơn không có nghĩa lúc nào cũng thua.
Sau đó là định hướng, tôi không rõ HLV Việt Nam có biết nhiều, nói nhiều để giải tỏa hay kích thích tâm lý cầu thủ không, nhưng có một điều chắc chắn là ở Việt Nam chưa có (nhiều) chuyên gia tâm lý hoặc người diễn thuyết tâm lý (tôi tạm dịch từ tiếng Anh “motivational speaker”).
Đồng thời cũng chưa có nhiều đội bóng, đội thể thao nào có nhu cầu thuê họ đến giúp cho vận động viên của mình. Hoặc có thể vì chưa có nhiều chuyên gia giỏi có thể giúp được nên không ai muốn thuê.
Để thay đổi cả một nền tảng tâm lý cho vận động viên và cầu thủ Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này tôi chỉ xin nhắc một mẹo đơn giản mà hầu như tất cả những vận động viên hay đội bóng thành công nào cũng đã từng biết, từng làm qua khi đứng trước một thử thách lớn về tâm lý (một trận đấu loại trực tiếp, một quả phạt đền…).
Chúng ta phải quên đi tất cả những gì đã xảy ra trước đây, trước giây phút này, quên đi cả những gì sẽ xảy ra sau trận đấu. Quên đi và chỉ tập trung vào thử thách trước mắt mà thôi. Tiếng Anh người ta nói là “one match at a time”, “one game at a time”, thậm chí “one kick at a time”, tôi dịch nôm na là “từng trận một”, “từng ván một”, “từng pha bóng một”.
Mỗi một trận đấu là một trận mới, ngày hôm qua chúng ta có thể đã thắng đối thủ này 5-0, hoặc có thể đã thua 0-5, nhưng hôm nay là một ngày mới, một trận mới, mọi thứ lại bắt đầu từ 0-0.
Đừng nghĩ về lịch sử đối đầu, về kết quả ngày hôm qua, về bảng xếp hạng FIFA, đừng nghĩ về kết quả, thắng thì được gì, thua thì mất gì, đừng nghĩ về tiền thưởng, đừng nghĩ nếu thắng mọi người sẽ tung hô mình ra sao, báo chí, lịch sử sẽ ghi tên mình vào đâu, đừng nghĩ mình phải thắng vì con, vì vợ, vì ông bầu nọ ông bầu kia, đừng nghĩ mình phải ghi bàn cho khỏi tịt ngòi hay để trở thành vua phá lưới...
Chỉ tập trung vào trận đấu trước mắt mà thôi, đây chỉ là một trận trong rất nhiều trận mình sẽ đá trong đời, không hơn, không kém. Tập trung vào pha bóng trước mắt, vào đối thủ trước mắt.
Đối thủ là ai không quan trọng, mình biết mình có khả năng, mình có thể thắng họ. Cứ đá như mình vẫn thường đá, tự tin vào khả năng của mình, của đồng đội mình, vậy thôi.
Chúc đội tuyển thành công.
>> Xem thêm: CĐV Việt Nam cuồng nhiệt và công bằng với cả U19 và U21
Chia sẻ bài viết của bạn về thể thao tại đây.