Người Việt Nam gần đây có khá nhiều tật xấu như kiêu ngạo, khinh người, tự ti và nói nhiều, làm ít... Nếu những điều này còn tồn tại thì chúng ta không thể nào phát triển được trong tất cả các lĩnh vực, không riêng gì bóng đá.
Tôi cho rằng câu nói "thắng không kiêu, bại không nản" chỉ dùng để nói ở cửa miệng mà thôi. "Học, học nữa, học mãi" cũng chỉ nói cho vui, chứ học nhiều và hiểu để ứng dụng thì không... Vậy học để làm gì?
Nếu HLV Miura mà là người Việt Nam thì chắc ông ta sẽ mất tự tin và ba phải. Người ta tung hô ông qua hai trận thắng và ngay sau đó, chỉ cần một trận thua UEA họ lại vội vã chê bai ông.
Tuy nhiên, vị HLV này có một điều mà người Việt Nam chúng ta cần học hỏi, đó là tự tin từ thành công và học hỏi từ thất bại để tiến bộ. Những điều này ông Miura đều có, Giôm có nhưng những HLV nội khác của Việt Nam liệu có hay không? Tôi nghĩ chúng ta đã tự tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Một HLV dám phản bác bản danh sách VFF đưa ra, tự lên danh sách tập trung những gương mặt mới từ nhiều nơi, tự tay gạn lọc những người cao to, khỏe mạnh, kỹ thuật nhất... để rồi với thành tích thắng hai, thua một và dẫn đầu bảng H, liệu đó có phải là hên?
Kết quả bốc thăm không thuận lợi, người ta đã bỏ mặc Olympic Việt Nam vì nghĩ chúng ta chẳng thể nào đấu đá được với những đội bóng đến từ Tây và Trung Á. Và rồi, sau trận thua trước UEA thì nhiều chuyên gia lên tiếng chỉ trích rằng họ yếu, chân gỗ, hết bài, kịch trần...
Nếu dễ ăn thế sao không một HLV nào xung phong dẫn dắt Olympic Việt Nam mà thoái thác cho một mình Miura kiêm nhiệm? Những người hay bàn tán ra vào công việc của người trực tiếp làm việc với đội tuyển quốc gia hiện đang ở đâu?
Chúng ta đừng nhìn mặt mà bắt hình dong, chớ thấy thất bại trong quá khứ mà đánh giá hiện tại lẫn tương lai và mọi người cũng khoan đánh giá Miura. Hãy nhìn vào những điều HLV người Nhật Bản đã làm được và dám làm, chính nhờ sự mạnh dạn loại những người thực tế không có khả năng và tạo nên tuyển Olympic Việt Nam khá đều và mạnh.
Ai nói người thất bại không thể thành công thì tự hỏi bản thân mình thành công bao nhiêu sao với Steven Job từng lang thang vô gia cư, và ông ta cũng không phải là người duy nhất như vậy trở thành triệu, tỷ phú.
Chỉ vì trận thua 1- 3 (thực ra là 1- 2) mà nói rằng tuyển Việt Nam trình kém hơn UEA thì tôi nghĩ rằng mọi người chẳng biết xem bóng đá. Khi Việt Nam phòng thủ phản công chống Iran, họ có kỹ thuật qua người không thua gì UEA. Khi Iran thua trước và cố gắng tìm bàn gỡ, họ sút hơn gì tuyển Việt Nam và bao nhiêu cơ hội bị bỏ lỡ?
Đá bóng và sút bóng trong khi thắng 1- 0, hoà 0 - 0 và thua 0- 1, 0- 2 hoàn toàn khác nhau. Nhiều cầu thủ đá rất tốt nhưng sát thủ ghi bàn trong mọi điều kiện có được bao nhiêu cái tên trên thế giới?
Chúng ta cần thực tế nhìn vào những điều mình đã học được sau trận đấu. Họ phòng ngự thế nào, lên xuống ra sao và cách các cầu thủ chuyền bóng? Qua những trận cầu ấy, chúng ta học, chiêm nghiệm được gì để nâng cao đẳng cấp, chứ cứ "thắng khen, thua chê" thì muôn đời bóng đá Việt Nam không khá nổi. Đó là tình trạng hiện nay của đa số “người phe mình”.
Đội U19 Việt Nam đã từng thắng Úc hai lần, từ đó, nhiều người Việt đã coi Úc như một đội cửa dưới, rằng chúng ta "thắng là mặc nhiên". Vậy có ai dám chắc lần thứ 3 gặp lại chúng ta sẽ thắng? Đó là tính kiêu ngạo xấu xí mà rất nhiều người Việt Nam mắc phải.
Khi U19 Việt Nam vượt qua Myanmar và sau đó thua lại với tỉ số 3- 4 thì có không ít người tỏ ra tự ti, nghi ngờ khả năng của U19, thậm chí khi chúng ta thắng 4 - 1 thì rất nhiều người coi Myanmar chẳng ra gì.
Khi Việt Nam thua Nhật ba trận với tỉ số 0- 7, 2- 3 và 0- 1 thì người ta trở nên tự ti và cứ đinh ninh gặp Nhật thì sẽ thua và sẽ mãi mãi thua. Nếu cứ suy nghĩ như vậy nó sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Một đại lộ thông thoáng hay đến một con đường, bên kia là vực thẳm của sự kiêu ngạo và tự ti?
Khi Việt Nam bốc thăm vào vòng chung kết ở bảng có Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật thì người ta mặc nhiên coi như đội tuyển của chúng ta đã bị loại. Lúc ấy, tôi không thấy một chuyên gia nào của bóng đá Việt Nam hiến kế lên hay kế hoạch gì, nhận trách nhiệm làm sao cho U19 đi tiếp. Chỉ có Bầu Đức và U19 âm thầm lên kế hoạch và còn bị mang tiếng vua về nhì.
Họ không cần biết lý do gì, chẳng cần biết là giải thử nghiệm hay giải chính, chẳng có bao nhiêu người thấu hiểu được và có tự tin. Các giải đấu vừa qua, chằng phải U19 đã làm nên hai chuyện đó sao? Các em đã tích luỹ được kinh nghiệm chiến thuật và phân bố sức bền từ những trận phải đá hai ngày liên tục để có kế hoạch dưỡng sức.
Không có đầu óc thấu hiểu thì làm sao làm việc có kế hoạch, hiệu quả và làm việc thành công ở đẳng cấp cao? Mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả chuyện U19 Việt Nam đứng đầu bảng này. Một tuyển U19 kinh nghiệm hơn, ít sức ép hơn khi không phải vắt kiệt sức tại đấu trường trong nước, các em ấy sẽ khác tuyển U19 vừa thua Nhật 0- 1.
Về U23, chúng ta nên cho HLV Miura thời gian, điều mà U19 có mà tuyển U23 không có. Khi thắng, ta không học được gì và chỉ thêm tự tin, nhưng khi ta thua, ta học nhiều thứ.
Một vấn đề đặt ra, nếu tuyển Olympic Việt Nam có chiều cao trung bình 1,76 m chơi khác đi, khôn ngoan hơn thì liệu có thể thắng UEA hay những đội mạnh hay không? Câu hỏi đã có câu trả lời, đó là trận thắng 4- 1 trước Iran.
Thành Roma không xây trong một ngày, nhưng Việt Nam chúng ta có khá nhiều người chỉ thích nói hơn làm, vậy thì xây đến bao giờ? Đội tuyển của chúng ta có chiều cao từ 1,65- 1,70m (chiều cao trung bình 1,68m) thì làm sao thắng nổi UEA (trung bình 1,77m)?
Chúng ta sẽ còn thấy những cầu thủ nhỏ con, kỹ thuật trung bình và tâm lý kém bị cầu thủ to lớn đội bạn đè lấy banh mà vẫn ngẩng cao đầu tự kiêu ngạo mình là một tài năng lớn để rồi đội tuyển đó cũng phải sợ cả Philippines.
Trời quang mây tạnh đâu không thấy, tôi chỉ thấy mây mù. Cũng như nhiều ngành khác ngoài thể thao của chúng ta vậy, nhiều khi người ta cứ hy vọng rồi lại thất vọng. Cho dù mọi người có cãi nhau ầm ĩ, khen chê vô độ cũng không thay đổi được mọi chuyện.
Chúng ta nên học ở Miura, ở người Âu, Nhật chuyện nói và làm, sẽ có lúc, chúng ta trở thành người khổng lồ.
>> Xem thêm: Điều tra dàn xếp tỉ số ở Asiad, U23 Việt Nam cũng vào diện tình nghi
Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá tại đây.