Đá phủi ngoài đường buổi tối, hay đá trong sân vận động mấy trăm nghìn người coi, thì mục đích cơ bản nhất vẫn phải là tạo ra niềm vui.
Rất nhiều người quên mất điều này, mà thật ra thì không phải họ quên. Với họ, cái gì cũng vậy, phải thắng thì mới vui, phải nhất thì mới sảng khoái, phải hơn thiên hạ thì cuộc sống mình mới có ý nghĩa. Cái ý nghĩa đó lại càng được nhồi cho đậm đặc mỗi khi nó được khoác cái mác “màu cờ sắc áo tổ quốc” hay “thể diện quốc gia”.
Có gì sai không? Đương nhiên là chẳng có gì sai. Mỗi người có quyền tìm niềm vui trong những thứ khác nhau – miễn là không hại người khác là được. Có điều thật là hài hước khi người ta cứ lấy cái mác "thể diện dân tộc" đó để bắt ép những người tham gia các hoạt động thể thao đó phải thắng cho bằng được. Thắng để dân tộc được nở mày nở mặt.
Tôi rất muốn được hỏi những người đó, rằng nếu thích nở mày nở mặt vậy, sao họ không tự làm đi? Sao lại ép người khác không được hưởng cái niềm vui chơi (bóng) của họ mà phải bằng mọi giá tạo ra cái niềm vui thắng (không được thua) cho mình?
"Tại tôi không có năng khiếu như tụi nó. Tôi mà có năng khiếu như mấy đứa đó là tôi đi đá và thắng từ lâu rồi". Vâng, bớt chém gió đi ạ. Thật ra ai cũng biết, nếu thích làm rạng danh dân tộc vậy, đâu phải chỉ có đá banh, hay cờ vua, hay một môn thể thao nào đó mới làm được.
Anh làm kinh doanh thì anh tạo thương hiệu của mình nổi tiếng thế giới đi. Anh làm phần mềm thì anh viết ra chương trình nào đó mà thiên hạ (ngoài người Việt) ùn ùn tải về dùng rồi tấm tắc khen đi.
Anh làm công nhân thì anh cũng có thể luyện cho tay nghề của anh trong cái dây chuyền/ nhà máy đó trở thành siêu hạng rồi đi thi mấy cuộc thi tay nghề quốc tế rinh giải về mà.
Từ “sport” của tiếng Anh hiện nay bắt nguồn từ chữ “disport” của tiếng Anh hồi xưa. Gốc của nó thì lại từ tiếng Pháp “desport” mà ra. Còn cụ tổ của từ ấy thì là chữ Latin “deportāre”.
Cho dù là cụ tổ hồi xưa hay cháu chắt thời nay, các bạn ấy luôn mang cùng một loại nghĩa. Đó là những hoạt động thể chất đem lại “amusement, entertainment, pleasure, and fun”, nói ngắn gọn là làm cho con người (gồm người tham gia hoạt động và người chứng kiến) thấy vui vẻ.
Đấy là chuyện tiếng Tây. Tiếng Việt gọi thể loại tương tự là “thể thao”. Thực ra đó là từ gốc tiếng Hoa, 體操. “Thể thao” của tiếng Hoa hồi xưa chủ yếu mang nghĩa chỉ những hoạt động thể chất để làm cơ thể khỏe mạnh, bao gồm mục đích phòng/ chữa bệnh.
Một nghĩa khác song song đó là chỉ những hoạt động thể chất để biểu diễn, mua vui. “Thể thao” trong tiếng Hoa bây giờ đa phần lại dùng để chỉ môn thể dục dụng cụ.
Từ tương đương với "sport" trong tiếng Hoa là “vận động”. Nhưng không phải là bất kỳ loại vận động nào cũng là "sport", mà chỉ những thể loại vận động có tính “giải trí, chơi đùa”.
Đấy lại là chuyện tiếng Hoa. Tiếng Việt trước khi du nhập từ “thể thao” thì từ dùng để gọi những hoạt động này chắc chỉ đơn giản một chữ “chơi”. Nếu phức tạp hơn thì là hai chữ “trò chơi”.
Chúng ta chơi đá banh, chơi bóng chuyền, chơi tennis, chơi đấu kiếm, chơi bóng bàn, chơi cờ... mà không chỉ người Việt, người Hoa, người Anh hay người Mỹ cũng đều gọi việc tham gia những hoạt động đó là chơi – “play”/ 玩.
Cũng có những hoạt động thể thao bây giờ mà người ta không có thói quen dùng chữ chơi khi gọi tên nó, như điền kinh, hay thể hình, hay đấu võ... vì những hoạt động đó thiên về “tập” và “luyện” hơn là “chơi”.
Nhưng cho dù là tập/ luyện hay chơi thì cuối cùng mục đích của những hoạt động đó cũng là để có được một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, đầu óc tỉnh táo, nói ngắn gọn thì là để người ta sống vui, và vui sống.
Tôi nói nhiều như vậy để thấy, mục đích đầu tiên và cuối cùng của thể thao là để vui. Thế nhưng rất nhiều người Việt quên mất điều này...
Nên nói tóm lại là nếu anh muốn thắng, thèm thắng, thèm rạng danh tới vậy, thì anh đâu cần phải trông chờ người khác, tự mình làm rạng danh mình đi đã. Sao lại cứ bắt ép người khác phải giải quyết thay cái nhu cầu cái thèm khát của bản thân nhỉ?
Tụi nhỏ (U19) được dạy phải đá đẹp, đá sòng phẳng, lịch sự, tôn trọng đối thủ, không được cãi trọng tài... thì các anh lại gào lên đá như thế làm sao mà thắng? Các anh thích thì cứ việc dạy con cháu của chính mình phải làm mọi cách để chiến thắng người khác (cho dù có “hơi xấu” đi nữa).
Thế nhưng miệng cứ bô bô bắt con cháu người khác cũng phải “học hỏi” phong cách sống đó của mình để thỏa mãn cái niềm vui sướng dân tộc ngập tràn (vẫn là của mình), thì nó hơi hài đấy nhỉ. Tiếc là các anh đông quá.
>> Xem thêm: Cần đưa U19 Việt Nam 'trở lại mặt đất'
Chia sẻ bài viết của bạn về thể thao tại đây.