Những ngày gần đây, người ta vẫn hay nhắc đến chuyện đội tuyển U19 Myanmar vào vòng chung kết U20 thế giới, còn đội U19 của Việt Nam chúng ta phải về nhà và bắt đầu thi đấu ở V-League. Là một người hâm mộ bóng đá, tôi chỉ xin nói về cách hâm mộ thể thao của người dân Mỹ, nơi tôi đang sống, và người dân Việt Nam, nơi tôi đã từng sống.
Lúc đội tuyển quốc gia thi đấu thì người Mỹ xem qua truyền hình hay tới sân cổ vũ, tuỳ theo điều kiện. Ví dụ như kì World Cup vừa qua, người Mỹ đã cổ vũ thế nào?
Trận Bỉ - Mỹ thu hút rất đông khán giả Mỹ xem trực tiếp trên tivi. Khi tuyển Mỹ bị dẫn trước hai bàn, tôi ngồi trong quán bar với các đồng nghiệp. Các khán giả Mỹ càng hò hét ồn ào hơn, thấy tôi im lặng, đồng nghiệp bảo là: "Đội tuyển đang thua, mình phải hò hét trợ oai cho đội tuyển thì mới gỡ lại được chứ". Tất nhiên là chúng tôi đang ở Mỹ, đội tuyển thì ở Brazil, có hét cách mấy cũng không ích gì, nhưng người Mỹ bảo là vẫn phải hò hét để tỏ rõ sự ủng hộ với đội tuyển.
Còn ở Việt Nam, khi các em U19 thua trước Nhật Bản 7- 0, khán giả lục tục bỏ về ngay khi chưa hết hiệp một. Tới giữa hiệp hai thì khán đài trống trơn, rác vứt đầy sân, các em thì vẫn gồng mình chiến đấu trong sự im lặng đến chết người của khán giả.
Khi tuyển Mỹ gỡ được một bàn thì ai cũng hò reo, và sau đó càng reo dữ bởi họ tin là vẫn còn gỡ được. Rồi tuyển Mỹ thua 2- 1, khán giả ra về mà vẫn tiếc rẻ, nhưng không trách cứ ai cả. Người Mỹ hiểu rằng sự quan tâm của khán giả Mỹ với bóng đá không nhiều, và những gì đội tuyển bóng đá làm được là đáng khen ngợi so với đẳng cấp của họ.
Ở Việt Nam, khi đội tuyển thua thì bao nhiêu lời chê bai tới tấp, tha hồ cho đội tuyển nghe. Nào là chỉ có thế thôi, nào là còn yếu kém lắm, nào là đừng có ca ngợi quá làm chi. Tới cả bầu Đức, người đã đổ ra hàng tỷ đồng và hơn thế nữa để đào tạo một đội bóng theo đúng qui trình cũng bị chê bai, chỉ vì ông nói một lời cảnh cáo các cầu thủ. Đội tuyển U23 sau khi vượt qua vòng bảng ở Asiad rồi thua ở vòng 1/16 cũng bị chê bai không kém.
Vậy có ai trong hàng ngũ người hâm mộ nhiệt tình đó đã đá bóng chưa? Có ai cho con mình đá bóng hàng tuần hay không? Có ai bỏ tiền ra để đầu tư cho bóng đá hay không? Có ai xếp hàng mua vé xem một trận ở V-League hay không?
Ở Mỹ, một người hâm mộ luôn ăn mặc kiểu Rosevelt cổ vũ cho tuyển bóng đá Mỹ đã trở thành biểu tượng của người hâm mộ Mỹ. Ông ấy trở nên nổi tiếng và được giới truyền thông quan tâm bởi phong cách hài hước mà nồng nhiệt của ông ấy.
Còn ở Việt Nam, một cô gái xinh đẹp ôm mặt khóc khi chứng kiến đội tuyển U19 thua phải khóa Facebook vì nhiều lời hăm doạ vô cớ. Có kẻ ác mồm còn nói rằng em ấy khóc vì thua độ. Chả lẽ tình yêu bóng đá là thứ xa xỉ lắm sao? Người hâm mô Brazil lớn tuổi khóc vùi trên khán đài khi đội tuyển của họ thua, thì một cô gái ôm mặt khóc trên khán đài khi đội tuyển thua có gì là lạ? Hay là bóng đá Việt Nam đầy rẫy chuyện bán độ vì ở Việt Nam có quá nhiều người dân mua độ?
Còn đây là chuyện ngay nơi tôi đang làm việc. Ngày thứ sáu cuối tuần, tôi vội vã rảo bước ra khởi công sở khi đồng nghiệp tôi vừa đi vừa oang oang: "Tôi phải về sớm cho kịp trận bóng bầu dục tối nay của thằng con. Hôm nay nó chơi trên sân nhà mà...".
Mỗi trường trung học ở Mỹ đều có sân chơi thể thao, sân vận động với khán đài và đèn pha đầy đủ. Học sinh trung học luyện tập thường xuyên và đấu mỗi ngày cuối tuần. Mỗi trận đấu cấp trường như vậy đều đông đặc khán giả, và các em học sinh đã quen với áp lực thi đấu từ thưở nhỏ.
Trong khi đó, dịp cuối tuần, các em học sinh ở Việt Nam vẫn cắm đầu đi học thêm. Tôi còn nhớ là tối thứ sáu tôi vẫn có giờ học thêm Anh văn, mà sáng thứ bảy lại phải học thêm môn hoá. Ấy là mười mấy năm về trước, chứ bây giờ thì không khéo còn phải học nhiều hơn. Chơi thể thao ư? Cái khái niệm đấy chỉ tồn tại ở những tháng phát động Hội khoẻ Phù Đổng, chúng tôi chơi vài trận cấp trường rồi thôi.
Bạn tôi đã có con đi học cấp một. Từ cấp một, các em đã được đi thi đấu thể thao và chơi các môn thể thao có tổ chức từ nhỏ. Ngay cả các trận đấu của các học sinh lớp một cũng đầy chật kín phụ huynh la hét trên khán đài. Ông trọng tài thổi còi, còn các em nhỏ mặc đồng phục đá một quả bóng nhỏ. Bé trai bé gái được chơi chung vì ở tuổi này các em chưa phân biệt nhiều về sức vóc.
Còn ở Việt Nam, các bé sáu tuổi chắc là phải đi học thêm để rèn chữ đẹp. Ngày cuối tuần thì may ra các em được đi học bơi, học năng khiếu như chơi đàn chẳng hạn. Đá bóng mỗi cuối tuần ư? Khi tôi nhỏ thì tôi giải quyết bằng cách vẽ khung thành trên sân đất và xông pha cùng lũ bạn đá bóng chân trần. Chỉ tội nghiệp bác hàng xóm đi xe đạp gặp phải lũ trẻ chiếm dụng đường làng để đá bóng nên đành dắt xe đi bộ.
Các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp ở Mỹ tuyển dụng vận động viên bằng cách kí hợp đồng với những tài năng ở trường trung học. Các cầu thủ trong đội bóng của trường trung học được xếp hạng theo cấp quốc gia, và những ai thứ hạng cao thường được tuyển vào các đội bóng chuyên nghịêp. Mỗi năm, các hiệp hội bóng bầu dục, bóng rổ và bóng đá quốc gia tổ chức tuyển chọn các vận động viên tốt nghiệp phổ thông vào đội bóng của mình.
Các trường đại học của Mỹ cũng đều có đội bóng riêng và thường thì họ có một đội bóng bầu dục, bóng rổ, bóng đá, bóng chày, rồi còn đội bơi, đội điền kinh, đội hockey, đội lacrose, đội tennis, đội bóng chuyền. Các đội bóng này sinh hoạt như vận động viên chuyên nghiệp, các trận đấu của họ được quan tâm không kém các đội chuyên nghiệp, và cổ động viên tới xem một trận bóng rổ giữa hai trường đại học có thể lên tới hàng chục nghìn.
Ở Việt Nam, các trường đại học có ít hoặc gần như không hề có một đội thể thao nào. Tôi nhớ hồi trước tôi học năm nhất ĐH ở TP HCM, môn thể dục mỗi tuần học hai tiết, nhưng chỉ là học cho có mà thôi.
Lúc thi môn bóng chuyền, bọn tôi phải phát năm quả bóng qua lưới, nếu phát hợp lệ thì mỗi quả hai điểm. Rồi ngày hội thao chào mừng ngày thành lập đoàn, trường tổ chức thi chạy bộ. Mỗi lớp phải cử hai nam hai nữ chạy bộ 3 km ủng hộ phong trào. Tôi xung phong chạy vì 3km không là bao nhiêu. Còn ở Mỹ, 3km là quãng đường mà một vận động viên cấp trường phải chạy mỗi ngày để khởi động cho bài tập.
Mỗi cuối tuần, nếu không chơi thể thao hay đi xem con mình chơi thể thao thì cũng nhiều người Mỹ đi xem các trận đấu bóng chuyên nghiệp. Người Mỹ hay đến sân xem bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, hockey. Cả bóng đá là môn thể thao thứ yếu nhưng cũng có chừng 15.000 tới 16.000 người xem mỗi trận ở giải MLS.
Trong khi đó, người Việt hầu như không tới sân xem các đội bóng Việt Nam tranh tài. Có thể là bóng đá Việt Nam hay bán độ, làm mất lòng người hâm mộ. Nhưng nếu không có bán độ thì thực tình là có bao nhiều người tới xem? Hay là ngồi nhà xem tivi cho nó mát, lại không tốn tiền? Mà các cầu thủ Việt Nam không đá ở V-League thì họ đá ở đâu?
Phát triển bóng đá và thể thao cũng như phát triển đất nước. Tuy rằng nhà nước phải có chính sách hợp lí, nhưng mỗi người dân phải đóng góp phần mình thì thể thao mới đi lên được. Thay vì chỉ trích, chỉ mong các bạn đừng ngồi quanh bàn nhậu bàn tán tỉ số bóng đá, mà hãy xỏ giày ra sân và cho con mình đá bóng từ thưở nhỏ. Có như vậy thì bóng đá mới đi lên được.
>> Xem thêm: U19 Việt Nam thua đậm Hàn Quốc vì bị bầu Đức 'dọa'
Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá Việt Nam tại đây.