Hiện, công an tại 30 tỉnh thành đã khởi tố khoảng 50 vụ án về sai phạm đăng kiểm xe cơ giới, với tổng cộng gần 500 người bị điều tra về 7 tội danh. Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục, khiến hệ thống chao đảo.
Việc điều tra khởi nguồn từ tháng 12/2022 khi Công an TP HCM khám xét hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở ven Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Ngày 18/12/2022, 18 người đầu tiên bị khởi tố để điều tra về tội Đưa, Nhận, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác, xảy ra tại hai trung tâm ở TP Thủ Đức và Long An.
Bộ Công an thông báo sai phạm của những người này bị phát hiện sau khi Cảnh sát giao thông TP HCM lập biên bản một số xe tải có giấy đăng kiểm được cấp sai quy định, chênh lệch về kích thước thùng hàng.
Từ đây, Công an TP HCM điều tra hơn 15 trung tâm đăng kiểm, khởi tố hơn 80 người, trong đó có hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam là Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình.
Công an Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành cùng vào cuộc với các vụ án riêng, khởi tố hàng trăm đăng kiểm viên. Có đợt, trong cùng một ngày, hàng chục trung tâm bị khám xét. Chỉ trong tháng đầu tiên, công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm, khởi tố 248 bị can. Con số này tăng gấp đôi trong tháng tiếp theo.
Qua gần 50 vụ án, nhà chức trách đánh giá "thủ đoạn nhận hối lộ" của các trung tâm đăng kiểm khá giống nhau. Theo đó, với xe không có lỗi, đăng kiểm viên sẽ gợi ý chi tiền bồi dưỡng từ 50.000 đến 200.000 đồng. Họ không trực tiếp cầm tiền mà đề nghị chủ phương tiện để tiền vào hộc trong cabin. Chủ phương tiện nếu không tham gia "luật chơi" sẽ bị tìm mọi cách để gây khó dễ, kéo dài thời gian đăng kiểm.
Với phương tiện có lỗi như xe thiếu dây đai ghế sau, thiếu búa phá cửa, thiếu gạt mưa, đổi màu sơn, hỏng một đèn phanh, lốp mòn,.. đăng kiểm viên sẽ ghi ra giấy để trên xe. Họ sau đó yêu cầu chủ phương tiện đưa thêm từ 100.000 trở lên, tuỳ theo lỗi.
Chủ xe không đồng ý chi sẽ phải đưa phương tiện về sửa chữa, đạt yêu cầu thì quay lại đăng kiểm. Ai đưa tiền, đăng kiểm viên sẽ hướng dẫn quay lại xếp hàng kiểm tra hoặc đánh giá luôn để cho đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Cuối ngày, các trung tâm đều tập hợp tiền nhận hối lộ, chia cho nhau quy ước nội bộ. Bộ Công an cho rằng số tiền nhận có thể lên tới nhiều chục tỷ đồng.
Việc điều tra chưa dừng lại
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, ước tính hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách làm luật như vậy. Các trung tâm kiểm định có vi phạm đã cấp trên 52.000 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
"Có thể coi đây là vụ Việt Á trong hoạt động đăng kiểm. Số bị can chắc chắn sẽ không dừng lại", ông Xô nói hôm 3/3.
Ông cho rằng đây là án "tham nhũng có hệ thống, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội". Hành vi sai phạm diễn ra nhiều năm, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (thuộc Cục) đến lãnh đạo nhiều trung tâm đăng kiểm. Đặc biệt, có giám đốc trung tâm đăng kiểm còn không biết chữ.
Tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, cơ quan điều tra nhận định có dấu hiệu nhận hối lộ định kỳ theo tháng, quý của trung tâm đăng kiểm để bỏ qua lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động; lờ đi lỗi trong kiểm tra, đánh giá định kỳ...
Ngoài điều tra về đăng kiểm xe cơ giới, Bộ Công an đánh giá mảng kiểm định phương tiện nội thủy "cũng có rất nhiều vấn đề". Mảng kiểm định phương tiện hoán cải "có rất nhiều tiêu cực". Công an các địa phương sẽ "đi sâu" vào hai lĩnh vực này trong thời gian tới.
Bộ Công an cho rằng từ các vụ án này công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm và đảm bảo an toàn cho lái xe, người tham gia giao thông "sẽ được tăng cường". Việc "truy quét" đã thể hiện vận dụng hiệu quả phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".
Trước tính chất nghiêm trọng của sai phạm trong đăng kiểm, giữa tháng 1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Cảnh sát giao thông "chi viện" đăng kiểm
Sau bốn tháng công an dồn dập điều tra, nhiều trung tâm đóng cửa nên thiếu hụt nhân lực trầm trọng, phải tận dụng cả người bị khởi tố đang được tại ngoại để đi làm. Cả nước có 61/281 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động, trong đó 53 trung tâm đang phục vụ điều tra, 8 đơn vị không đủ điều kiện.
Các trung tâm đăng kiểm còn lại đều hoạt động quá tải. Người dân muốn đăng kiểm phải loay hoay tìm chỗ và phải chờ nhiều ngày mới đến lượt.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có gần 2.000 đăng kiểm viên làm việc trên toàn hệ thống nhưng đến 500 người đang bị điều tra sai phạm, tự nghỉ việc. Điều này khiến các trung tâm thiếu hụt nhân sự.
Đến hôm nay, Hà Nội còn 8/31 trung tâm mở cửa với 13/61 dây chuyền nên ước tính chỉ đáp ứng được gần 15% nhu cầu đăng kiểm. TP HCM còn 10/19 trung tâm đang hoạt động và khả năng đáp ứng khoảng 43%. Không chỉ hai thành phố lớn mà các tỉnh như Hoà Bình, Bắc Kạn và nhiều tỉnh khác cũng thiếu hụt đăng kiểm viên trầm trọng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam lo ngại đứt gãy hệ thống, phương tiện không được kiểm định đúng hạn sẽ đối diện nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải, lưu thông hàng hóa.
Chiều 8/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói Bộ Công an khi xử lý vi phạm cần "không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm. Đặc biệt phải phân hóa nhóm vi phạm để xử lý, nhất là người chủ mưu". Ông yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng đủ điều kiện tham gia hỗ trợ đăng kiểm.
Hai ngày sau chỉ đạo này, Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an chi viện 50 cảnh sát đang làm việc tại trung tâm đăng kiểm thuộc lực lượng công an để hỗ trợ các đơn vị kiểm định ở Hà Nội và TP HCM.
Việc điều tra, "truy quét" tiêu cực vẫn tiếp tục. Hôm qua, tại Hà Nội Công an huyện Đông Anh đã khám xét, tạm giữ Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-13D và 4 đăng kiểm viên với cáo buộc Nhận hối lộ.
Lúc này, nhiều giải pháp đang được thực hiện để nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nhân lực khiến người dân xếp hàng dài chờ đăng kiểm.