Ngày 4/1, ông Tài, Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát), Trần Thanh Vinh (51 tuổi, phó giám đốc) cùng 6 người khác thuộc Trung tâm đăng kiểm 50-17D bị Công an huyện Nhà Bè khởi tố, bắt giam.
Những người này nằm trong số 43 nghi can bị Công an TP HCM cùng các quận huyện bắt để điều tra trong vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Quá trình điều tra, ông Tài, với chức danh giám đốc trung tâm đăng kiểm khai nhận mình không biết chữ, học đến lớp 3 cách đây hàng chục năm. Hoạt động kiểm định ở trung tâm do ông Vinh - đăng kiểm viên, phó giám đốc điều hành và ký giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe cơ giới.
Cơ quan điều tra xác định, ông Phong với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát đã xin phép thành lập Trung tâm đăng kiểm 50-17D từ năm 2019. Do ảnh hưởng dịch bệnh, nơi đây hoạt động không hiệu quả, dẫn đến nợ nần.
Do nợ tiền ông Tài, Phong gán cổ phần của Trung tâm đăng kiểm 50-17D và đưa chủ nợ lên làm giám đốc. Hai người sau đó thông đồng, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ, bỏ qua lỗi vi phạm để tăng doanh thu. Tài đưa Đinh Thành Trung, 30 tuổi vào làm nhân viên nhưng không có hợp đồng lao động.
Thủ đoạn được các đăng kiểm viên nơi đây sử dụng là sau khi kiểm tra, phát hiện có lỗi, sẽ hướng dẫn chủ xe đến chỗ Trung. Người này sẽ trực tiếp đặt vấn đề nhận tiền "bôi trơn" để thông qua việc đăng kiểm.
Riêng ngày 19/12, khi cảnh sát ập vào bắt quả tang, Trung khai đã nhận được gần 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chia phần lớn cho Phong, Tài. Phần còn lại được đưa cho Vinh để chia lại cho Trung và các nhân viên đăng kiểm.
Lý giải tại sao ông Tài không biết chữ nhưng vẫn làm được giám đốc trung tâm đăng kiểm, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cho biết Trung tâm 50-17D do tư nhân đầu tư. Ông Tài là giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của Trung tâm hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.
Trung tâm 50-17D hiện có một dây chuyền kiểm định loại II với 6 đăng kiểm viên. Trong đó, ông Vinh, Phó giám đốc Trung tâm là người điều hành và ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.
Nghị định 139/2018 quy định lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị và ký giấy chứng nhận kiểm định. Người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng trung tâm đăng kiểm hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ có nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Quy định trên được áp dụng với lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe. Khi soạn thảo quy định về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục đã lường trước các vấn đề này, song việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm là do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Do đó, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn có đơn vị lựa chọn lãnh đạo chưa có năng lực.
Tính đến nay, Công an TP HCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm (5 ở các tỉnh, 13 tại TP HCM). Sai phạm của các trung tâm này bị bại lộ sau khi CSGT thành phố phát hiện nhiều xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải... vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Xác định có dấu hiệu tội phạm, Công an TP HCM vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã nhận tiền "lót tay" để bỏ qua vi phạm cho khoảng 70.000 ôtô khi đăng kiểm. Giám đốc các trung tâm này được cho đã chỉ đạo cấp dưới bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
Hiện, cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Quốc Thắng