Sáng 12/1, tại phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý với 9 vụ án, hai vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc; bổ sung vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban sẽ theo dõi, chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm, gồm: vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn II); vụ án xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Tại họp báo chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thái Học, Phó ban Nội chính Trung ương, cho hay: "Qua các vụ việc vừa qua, chúng ta rút ra nhiều bài học, trong đó có bài học quan trọng về bố trí, sắp xếp cán bộ, lựa chọn cán bộ để giao việc".
Theo ông, qua các vụ án liên quan đưa và nhận hối lộ còn cho thấy tổ chức đảng, quản lý, giám sát "bị vô hiệu hóa". Ở đâu cũng có tổ chức đảng, cơ quan thanh tra, giám sát nhưng lại để tội phạm diễn ra thời gian dài. "Vì thế nếu chọn đúng cán bộ, giao đúng người, đúng việc thì rõ ràng hậu quả không xảy ra lớn như vừa qua", ông nói.
Ông dẫn chứng, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và nhiều trung tâm đăng kiểm các địa phương không phải là "tham nhũng vặt mà có hệ thống, quy mô lớn". Sau phiên xét xử sơ thẩm đại án AIC với nhiều bị cáo là lãnh đạo tại Đồng Nai, các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ việc này ở các địa phương, bộ ngành có liên quan.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ tham nhũng, bức xúc dư luận xã hội; lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cho rằng vẫn xảy ra sai phạm nghiêm trọng trên một số lĩnh vực, như đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm... Bộ phận cán bộ làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm. Thu hồi tài sản dù tăng nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.