Nếu Pháp là nước tiên phong đưa ra lệnh cấm học sinh từ lớp môt đến lớp 9 sử dụng điện thoại trong trường học từ niên khóa 2018-2019 thì khá nhiều nước vẫn còn đang loay hoay giảm thiểu sức hút của trào lưu công nghệ đối với học sinh. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người trẻ nghiện smartphone khá cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ khuyết tật về tinh thần trong thế hệ trẻ tương lai. Phải chăng đã đến lúc nước ta cần quyết liệt hơn trong việc hạn chế ảnh hưởng của smartphone đối với học sinh?
Smartphone (hay điện thoại thông minh) là thiết bị công nghệ góp công không nhỏ giúp kết nối giữa người và người nhưng cũng để lại nhiều di chứng nguy hại, đặc biệt là ở giới trẻ. Smartphone len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống con người. Chiếm dụng một khoảng thời gian không nhỏ của mỗi thành viên trong gia đình, công nghệ làm gãy đổ mối quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Không chỉ vậy, khi smartphone vào trường học, mặt trái của nó bộc lộ rõ ràng làm tôi trăn trở rất nhiều.
Trong bối cảnh điện thoại thông minh đang dần "phổ cập" như hiện nay thì việc bố mẹ trang bị cho con cái một chiếc điện thoại có khả năng truy cập mạng là điều tất yếu. Bên cạnh lý do cho con cái dùng điện thoại để tiện liên lạc thì sự đua đòi của con trẻ có điện thoại cho bằng bạn bằng bè cũng không ngoại lệ.
Nếu chiếc điện thoại kia chỉ để dùng liên lạc với bố mẹ khi đưa đón thì không có gì bàn cãi. Vậy nhưng, có smartphone trong tay, con trẻ biến nó thành một phần cuộc sống của mình thì thật nguy hại. Các cháu vẫn ngày ngày say sưa với thế giới ảo trên mạng, mê mẩn thế giới game online kỳ bí. Động lực học tập của các cháu tăng hay giảm khi smartphone kè kè bên mình?
>> Trẻ em có thể học hỏi được gì từ smartphone?
Thử tưởng tượng cảnh bọn trẻ vừa ngồi im như thóc nghe cô giáo giảng bài nhưng tâm trí đặt trọn vào gầm bàn có cái smartphone cài ở chế độ im lặng. Gầm bàn sáng lên, mặt bàn rung nhẹ là y như rằng mọi điểm nhìn đổ dồn vào màn hình di động. Một tin nhắn đến, một cuộc gọi nhỡ, một comment mới... đều có sức thu hút mãnh liệt hơn rất nhiều so với bài học.
Thử tưởng tượng những khuôn mặt mệt mỏi, đờ đẫn trên lớp sau ngày dài chiến đấu với game online. Tôi khẳng định động lực học tập đã rơi rớt từ hổi nảo hồi nào khi chạm tay vào thế giới ảo. Biết bao nhiêu đứa trẻ bỗng dưng "hư đốn" lười học mê chơi khiến bố mẹ bất lực than trời trách đất. Có biết đâu rằng con trẻ bắt đầu sa sút học tập từ giây phút người lớn thỏa hiệp sắm cho con cái smartphone cho "bằng con người ta".
Thử nhìn khung cảnh nhan nhản khắp quán xá, công viên, sân trường. Những người bạn ngồi chung bàn, túm tụm bên ghế đá nhưng mỗi người lại mải mê trong thế giới riêng. Mắt chăm chú vào màn hình di động, tay lướt liên tục. Mọi tương tác trong cuộc đời thực gần như chuyển hóa thành kết nối, trò chuyện trên mạng.
Bọn trẻ đang dùng smartphone một cách vô thức và trượt dài trong thế giới ảo. Khi thiếu sự định hướng đúng đắn, thiếu những kỹ năng cơ bản, viễn cảnh con cái chúng ta biến thành "thế hệ cúi đầu" sẽ gần trong gang tấc. Trò chuyện, vui chơi, kết nối, hòa đồng... là những tương tác dường như bị đứt quãng khi smartphone hiện diện.
>> Khi cha mẹ nghiện điện thoại nhưng cấm con sử dụng
Nhiều cảnh báo từ các chuyên gia, công trình nghiên cứu khoa học đã khẳng định mối nguy hại khi người trẻ quá lệ thuộc vào thiết bị công nghệ. Vậy nhưng, tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho việc hạn chế tiến đến cấm sử dụng điện thoại trong trường học hoàn toàn không dễ dàng.
Đừng duy trì "quy định nội bộ", nơi cấm nơi cho, trường nghiêm khắc, trường nới lỏng quy định hạn chế sử dụng smartphone. Nên chăng hãy luật hóa việc cấm sử dụng smartphone trong trường học như một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường kết nối thầy - trò, trò - trò và đẩy lùi các biểu hiện vô cảm, tiêu cực do thế giới ảo gây ra.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.