Loạt tài liệu mật của Lầu Năm Góc do binh nhất Jack Douglas Teixeira rò rỉ trên mạng vài tháng qua cho thấy bom dẫn đường JDAM-ER mà Mỹ viện trợ cho Ukraine có tỷ lệ trượt mục tiêu cao hơn dự kiến trong những cuộc tập kích tại Ukraine gần đây.
Một quan chức cấp cao được Bộ Quốc phòng Mỹ ủy quyền trao đổi giấu tên với báo chí hôm 13/4 xác nhận vấn đề này với Politico, thừa nhận bom dẫn đường JDAM-ER thường xuyên không đánh trúng mục tiêu do bị Nga chế áp điện tử.
Một nguồn tin am hiểu vấn đề nhưng không làm việc cho chính phủ Mỹ cho hay phần lớn vấn đề bắt nguồn từ hoạt động chế áp tín hiệu GPS do Nga tiến hành.
"Tôi nghĩ có những lo ngại thật sự về khả năng Nga vô hiệu hóa tín hiệu dẫn đường của bom JDAM. Điều đó có thể giải thích lý do chúng không đạt hiệu quả như thiết kế hay từng thể hiện ở nhiều chiến trường khác", Mick Mulroy, cựu quan chức Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định.
Tài liệu tình báo bị rò rỉ còn cho hay một số quả bom dường như gặp vấn đề với ngòi nổ sau khi thả, buộc không quân Ukraine phải tìm phương án khắc phục tại chỗ.
Boeing, doanh nghiệp sản xuất các bộ dẫn đường cho bom JDAM, từ chối bình luận về thông tin. Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa lên tiếng về tài liệu đề cập tới hoạt động của bom JDAM-ER.
JDAM là tên gọi chung của những loại bom thông thường được hoán cải thành bom thông minh, bằng cách gắn các bộ dẫn đường, gồm thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và hệ thống điều khiển. Đây là phương án giúp tận dụng kho dự trữ bom thông thường, thay vì phải sản xuất những quả bom dẫn đường có chi phí cao. Mỗi bộ dẫn đường được bán cho quân đội Mỹ có giá khoảng 25.000 USD, thấp hơn nhiều so với các loại bom thông minh hiện đại.
Tướng James Hecker, tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), hồi tháng 3 cho biết Ukraine đã nhận lượng nhỏ bom dẫn đường tăng tầm JDAM-ER, giúp tăng phương án tấn công tầm xa ngoài pháo HIMARS. Chưa rõ số lượng và phiên bản bom được Mỹ chuyển giao cho Ukraine, nhưng dường như chúng rất hạn chế. "Họ chỉ có đủ bom cho vài cuộc tập kích", tướng Hecker cho hay.
JDAM-ER được trang bị cánh nâng gấp gọn, có thể bung ra sau khi bom tách khỏi máy bay, đạt tầm bay tối đa 72 km khi thả từ độ cao và tốc độ lớn, so với 24 km của những quả JDAM thông thường.
Dù vậy, quan chức Mỹ cũng thừa nhận môi trường tác chiến hiện nay có thể ngăn cản Ukraine phát huy tối đa tính năng của bom JDAM-ER. "Máy bay của họ phải bay thấp để tránh lưới phòng không đối phương. Điều này có thể hạn chế tầm bay của bom", ông nói.
Vũ Anh (Theo Politico)