Cạnh nhà tôi có khu đất trống của người hàng xóm, thỉnh thoảng có người len lén đến đặt một vài bóng đèn neon hỏng (loại 1,2m).
Quả thật, tôi rất bối rối với chúng, bỏ vào thùng rác thì không đặng và cũng không được vì kích thước quá cở so với thùng rác mà đem đi nơi khác thì cũng không xong nên tạm thời tôi đành để vậy dù rằng rất "chướng tai gai mắt " với những loại rác thải kiểu như thế này.
Năm ngoái ở huyện Bến Cát (Bình Dương), tôi còn chứng kiến một sự việc còn "chướng mắt’ hơn đó là có một chiếc xe tải chở kính của một doanh nghiệp xây dựng, do ràng buộc không kỹ, lại gặp phải ổ gà nên toàn bộ những tấm kính trên xe đã đổ xuống và vỡ tan tành.
>> Nhân viên thu gom rác để lại rác vương vãi
Trong trường hợp này, người tài xế thay vì tìm cách mang đi tiêu hủy hợp lý, nhưng không anh ta đào một cái hố ven đường và chôn toàn bộ đống kính vỡ đó xuống đất. Chúng ta biết rằng, rác hữu cơ thì có thể phân hủy nhanh, rác nhựa, nylon thì cũng mất hàng trăm năm nhưng với rác thủy tinh thì vĩnh cữu không thể phân hủy được, cứ tồn tại mãi trong đất đai và đến một lúc nào đó sẽ gây nguy hại cho con người.
Ai đã từng dẫm đạp phải miểng chai khi đi làm vườn, đi rẫy mới cảm nhận được mức độ nguy hiểm của việc làm sai trái như trên.
Trong lĩnh vực xây dựng và đời sống thì thủy tinh là một trong những vật liệu rất thiết yếu dùng để làm cửa, làm khung vách bao che bên ngoài công trình, vách ngăn bên trong, dùng để làm đồ nội thất hay các vật dụng thiết yếu như ly, tách, chai lọ... nhưng dùng mãi thì cũng đến lúc sẽ hỏng hay gãy vỡ.
Tôi để ý thấy có rất nhiều người có thói quen thường lùa miểng chai vào thùng rác lẩn với các loại rác khác, những tấm kính vỡ có kích thước lớn không bỏ thùng được thì cất vào kho, để sau vườn nhà hay bỏ đại vào một khu đất trống nào đó như những bóng đèn neon hỏng mà tôi đã nói ở trên, lâu ngày các loại rác thủy tinh này tích tụ nhiều và chúng thật gây sự nguy hiểm và làm ô nhiễm môi trường và cảnh quan trong cuộc sống của chúng ta.
Hồi còn đi học, tôi và các anh chị thường thu gom miểng chai trong nhà và khu vực quanh nơi mà mình sinh sống, cất vào một chỗ để đến kỳ sẽ nộp kế hoạch nhỏ cho nhà trường, nộp càng nhiều thì điểm càng cao, nhà trường thường cho không hoặc bán với một cái giá rất rẻ cho các cơ sở tái chế rác thủy tinh.
>> Cô bé Singapore nhặt rác trả lại cho vị khách Việt 'đánh rơi'
Tôi cũng còn nhớ ngày trước ở Huế quê tôi có rất nhiều lò tái chế thủy tinh bằng phương pháp thủ công, miển chai được đưa vào lò nung ở nhiệt độ rất cao đến tan chảy, thợ dùng miệng và ống để thổi ra những sản phẩm tái chế, đưa vào thị trường để phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân.
Ngày nay thì những lò tái chế rác thủy tinh như thế đã không còn nữa và tôi cũng không hiểu rác thủy tinh sẽ đi đâu về đâu, nhưng điều tệ hại nhất mà tôi suy nghĩ là chúng được đem chôn lấp cùng với các loại rác thải khác.
Tôi thấy ở Nhật, rác thủy tinh thường được thu gom về nhà máy, sau đó họ nghiền thành bột mịn để tái chế ra các sản phẩm mới và hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ như thế.
Kinh tế ngày càng phát triển khiến cho việc tiêu thụ hàng hóa ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều thì lượng rác thải ra càng lớn, thật là vô lý khi tất cả các loại rác từ rác hữu cơ, bao bì ni-lông, chai nhựa, đồ hộp, giấy, rác thủy tinh đều được đổ chung và chồng chất vào duy nhất một thùng rác. Điều đó khiến việc phân loại rác trở nên rất khó khăn, phải tốn một cái công và năng lượng rất lớn để phân ra các loại rác riêng biệt nhằm xử lý chúng.
Không chần chừ gì nữa, đã đến lúc chúng ta cần phải tìm cách phân loại rác tại nguồn để việc thu gom và xử lý rác trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, việc thu gom cũng nên đồng bộ để không xẩy ra tình trạng tại nhà thì phân loại rác nhưng công nhân vệ sinh vẫn cứ đổ lẫn vào nhau khiến việc phân loại rác tại nguồn mất hết ý nghĩa.
>> Du khách đông nghẹt và 'đầy rác' đã làm cho người Đà Lạt khấm khá
Ở Việt Nam có một nghịch lý là doanh nghiệp xăng dầu thì cứ "vô tư" bán xăng, doanh nghiệp sản xuất bao bì, nhựa và thủy tinh thì cứ việc tung ra thị trường bán sản phẩm, bán càng nhiều lợi nhuận càng cao, rác thải thì họ ít khi quan tâm và phí bảo vệ môi trường thì buộc người dân phải gánh chịu, điều mà lẽ ra họ cũng có một phần trách nhiệm ở trong đó và cần phải chia sẻ gánh nặng với người dân.
Tôi cũng chưa hiểu lắm về mục đích của loại phí bảo vệ môi trường, nó chỉ để tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường hay còn dùng vào việc khác nữa? Thiết nghĩ nhà nước cần trích một phần kinh phí đó để mua và thu gom rác thủy tinh với mức giá hợp lý để tái chế, có cầu ắc có cung, người dân hay các bà các chị mua bán ve chai sẽ tự động thu gom để bán lại cho các cơ sở tái chế.
Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng cũng như các sản phẩm xuất xứ từ thủy tinh cần chung tay để làm các việc thiết thực nhằm bảo vệ môi trường như tài trợ để xây dựng các nhà máy tái chế rác thủy tinh và có giải pháp thu gom đối với loại rác thải này. Có như vậy môi trường sống của chúng ta mới ngày một sạch, xanh và an toàn hơn để không còn viễn cảnh sống chung với rác hay tệ hơn nữa là ngập trong rác mà các chuyên gia về môi trường từng cảnh báo.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.