Bài viết Tôi ước ao quê mình 'đông nghẹt và đầy rác' giống Đà Lạt dịp Tết của tác giả Sang Trần quê ở Đồng Tháp nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, VnExpress giới thiệu bài viết của tác giả Trương Ngọc Thụy- một người Đà Lạt gốc dành nhiều tình cảm cho du khách:
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã xấp xỉ 50 năm. Nhà tôi ở gần khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt cho nên tôi gắn bó với những nơi này từ lúc còn rất bé.
Ngày đó Đà Lạt vẫn còn đúng như lời của bài hát "Thành phố buồn" (sáng tác: nhạc sĩ Lam Phương) nổi danh: "Người lưa thưa chìm dưới sương mù".
Dù ở ngay trung tâm thành phố nhưng người qua kẻ lại cũng rất ít, đường phố lúc nào cũng vắng vẻ. Chỉ có rạp ciné Hòa Bình và chợ là đông vui mà thôi, đó cũng chính là nơi tụ tập của những đứa con nít như tôi sau giờ tan lớp.
Từng bậc cầu thang, viên gạch, cây cột, hàng quán cho đến những người bán hàng rong, thuốc lá dạo, sửa đồng hồ... Ở khu vực này đều là "bạn" của tôi cả.
Tôi nhớ buổi tối ở Đà Lạt ngày xưa chỉ có đêm Trung thu và Noel là khu Hòa Bình đông đúc và náo nhiệt, hầu như tất cả người dân xa gần đều đổ về đây, chẳng để làm gì cả mà đơn giản là chỉ đi bộ vòng vòng một lát rồi về ngủ. Không mấy người có điều kiện để vào café Tùng, Hương Sơn hay chè Mai Hường, Dạ Thảo, Nguyệt Vọng Lầu... Vì vậy cùng lắm là 10h khuya là phố phường lại vắng lặng như vốn có.
Những năm gần đây Đà Lạt nổi lên như một điểm du lịch hấp dẫn, nhất là vào những dịp lễ tết. Thành phố này đã bị quá tải khi hàng chục ngàn du khách và phương tiện đồng loạt "kéo quân" về. Cuộc sống của người dân địa phương cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều.
>> Tôi thất vọng vì Đà Lạt trồng rất ít hoa mai anh đào
Nhưng theo tôi thì đó là tín hiệu đáng mừng bởi đây là cơ hội làm ăn của nhiều người. Chính du khách đã làm cho đời sống của người dân Đà Lạt ngày càng khấm khá hơn. Và người ta có thương có yêu thành phố mộng mơ thì họ mới chọn nơi này làm điểm dừng chân của mình.
Nhưng lần nào cũng vậy cứ sau một đợt du khách "đổ bộ" đến thì hai vấn nạn luôn được mọi người than thở là kẹt xe và xả rác.
Mấy ngày qua trên mạng lại nổi lên loạt ảnh rác thải sau một đêm tại cầu thang chợ Đà Lạt với biết bao lời "nhắn nhủ", "giận hờn" không được hay ho lắm nhắm vào "thượng đế" của Đà Lạt.
Riêng tôi là một người Đà Lạt, tôi vẫn giữ quan điểm riêng của mình là trước khi trách móc khách thì chủ cần phải nhìn lại mình, bởi ông bà có câu "nhập gia tùy tục" mà. Thử hỏi nếu mình đến nhà ai đó chơi mà thấy chủ nhà cứ vô tư xả rác thì mình có làm theo không?
Hàng ngày trên đường hình ảnh người Đà Lạt xả rác nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi, quán ăn ngập rác đâu có hiếm nếu không muốn nói là phổ biến. Cho nên du khách họ làm theo là một việc hết sức bình thường, chừng nào ở nơi này ai ai cũng tuyệt đối chấp hành việc giữ vệ sinh công cộng thì lúc đó mình mới đủ "tư cách" để phê bình du khách.
>> 'Nên cấm xe khách 50 chỗ vào trung tâm TP Đà Lạt để giảm kẹt xe'
Viết vài dòng không có ý cổ vũ cho cái thói quen xấu của người Việt Nam mà tôi chỉ hy vọng rằng những người có trách nhiệm ở nơi này hãy bắt tay vào để xây dựng một "Đà Lạt không rác" với sự tuyên truyền giáo dục người dân bản xứ cộng với những điều khoản chế tài thật nghiêm ngặt thì tin chắc rằng trong tương lai sẽ không còn hình ảnh "Đà Lạt ngập rác" vào mỗi dịp lễ tết và khi đó Đà Lạt lại có thêm một điểm cộng văn hóa trong mắt bạn bè xa gần.
Tối hôm qua tôi đã bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để ghi lại hình ảnh sự náo nhiệt của khu Trung tâm Đà Lạt. Thấy được tình cảm của du khách cả nước đã dành cho Đà Lạt như thế nào. Tôi nghĩ cái mà họ đã mang lại nhiều hơn rất nhiều cái mà họ đã lấy đi của Đà Lạt trong những ngày qua.
Xin kết lại bài viết bằng một câu nói với nhau của hai bạn trẻ du khách đi ngang nhà hôm qua mà tôi vô tình nghe được:"Sáng mai tụi mình về rồi, trả lại sự bình yên cho Đà Lạt ". Đúng là Đà Lạt rồi cũng sẽ lại bình yên như vốn có thôi nhưng mong sao tấm lòng của du khách đối với thành phố này đừng bao giờ thay đổi.
>> Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.