Bạn đang dạo phố Tokyo và muốn tìm nơi vứt bỏ túi nylon? Hầu như chắc chắn là bạn phải nhét loại rác này vào túi và mang về khách sạn. Hoặc bạn phải vào một nhà hàng nào đó để "vất nhờ".
Thật khó hiểu, vì ngay như ở Singapore - một đất nước vào loại sạnh nhất thế giới , bạn có thể tìm thùng rác ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nếu hỏi 10 người rằng Singapore và Nhật nước nào sạch hơn, tôi tin sẽ có... 9,5 người chọn Nhật Bản. Đường phố, không khí ở đất nước mặt trời mọc hầu như tinh khôi. Bất cứ cây cổ thụ bên đường nào lá cũng xanh mướt và sạch bóng như vừa qua một trận mưa.
>> Mới qua Mỹ định cư, tôi mang theo thói quen xả rác bừa bãi
Nước Nhật có những luật định vô cùng chặt chẽ về thải và xử lý rác. Nó xuất phát từ việc phân loại một cách tỉ mỉ và nghiêm ngặt các loại rác ngay từ khâu bắt đầu thải ra: giấy, vỏ nylon, chai nhựa, lon kim loại, thức ăn thừa... Mỗi hộ gia đình khi thải rác đều phải tuân theo những quy định ngặt nghèo về phân loại, và vứt bỏ mỗi loại rác đúng vào những ngày định sẵn trong tuần. Ví dụ, chai nhựa được công ty vệ sinh thu gom vào ngày thứ Hai, nếu gia đình bạn không kịp "giao nộp", thì xin mời giữ lại trong nhà, chờ đến tuần sau.
Một lý do nữa khiến nước Nhật không còn để thùng rác ở nơi công cộng từ năm 1995, đó là sau vụ ga tàu điện ngầm ở Tokyo bị tấn công bằng khí độc sarin, nhằm tránh nguy cơ khủng bố. Người Nhật tạo cho mình thói quen và cũng là trách nhiệm công dân: mang rác về nhà để thải đúng nơi, đúng chỗ, để được xử lý hiệu quả nhất.
>> Cô bé Singapore nhặt rác trả lại cho vị khách Việt 'đánh rơi'
Nước Nhật không đặt thùng rác trên đường, trong công viên, đó là lý do Nhật Bản sạch hơn Hồng Kông và Singapore và nhiều nước ở lục địa già châu Âu.
Chính quyền phải làm sao để xử lý rác hiệu quả nhất, còn người dân phải làm sao để thải rác ít nhất có thể. Tất cả xuất phát từ khâu đầu tiên: thùng rác.
Người Nhật nổi tiếng về etiquette - nghi lễ , nghi thức xã giao trong cuộc sống hằng ngày. Chuyện thải rác không nằm ngoài nghi lễ này.
Việt Nam đã có rất nhiều sự cố về rác thải, và khủng hoảng rác có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi cái gốc là phân loại và xử lý, chế biến rác được làm triệt để thì chuyện người dân đổ rác như thế nào chỉ là phần ngọn dễ dàng. Đáng tiếc thay, lâu nay chúng ta vẫn đang chỉ loay hoay ở phần ngọn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây
Vinh