Trả lời:
Virus dại có trong nước bọt của động vật lây truyền qua người thông qua các vết cắn, cào, liếm lên vết thương hở. Ở môi trường bên ngoài, virus dại dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao và tiếp xúc với các chất khử trùng như xà phòng, cồn iốt, nước muối pha đặc. Tuy nhiên, việc dùng chất khử trùng chỉ giúp giảm lượng virus tại vết cắn, không thể ngăn virus xâm nhập vào cơ thể và tấn công lên hệ thần kinh trung ương.
Bên cạnh đó, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh muối có khả năng ngừa dại. Việc bôi muối hột, không đảm bảo nồng độ chuẩn có thể gây tổn thương các mô lành, nhiễm trùng, kéo dài thời gian lành vết thương.
Cách xử lý đúng khi có vết thương phơi nhiễm dại là xối rửa với nước sạch và xà phòng trong vòng 15 phút hoặc xối rửa dưới vòi nước chảy nếu không có xà phòng. Sau đó, mọi người tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 45-70% hoặc cồn iốt. Mọi người không nên: nặn máu hoặc băng kín vết thương, đắp các loại lá lên vết thương khiến virus dại đi vào cơ thể nhanh hơn.
Bệnh dại hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, 100% người mắc sẽ tử vong khi phát bệnh. Vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có. Do đó, khi bị chó, mèo, chuột, động vật hoang dã cắn, cào, liếm vào vết thương hở, mọi người không nên tự điều trị tại nhà, cần đến ngay các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn chủng ngừa.
Tùy vào tình trạng vết thương, người bị cắn, cào sẽ được tư vấn tiêm chủng phù hợp. Trường hợp lần đầu bị thương, phác đồ vaccine gồm 5 mũi, các lần phơi nhiễm sau bổ sung thêm 2 mũi, không cần huyết thanh.
Vaccine dại còn có thể được chủng ngừa trước khi bị cắn, cào. Phác đồ dự phòng gồm 3 mũi, giúp giảm số mũi tiêm khi có vết thương và không cần tiêm huyết thanh.
Bác sĩ Hà Mạnh Cường
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC