Trả lời:
Virus dại lây truyền chủ yếu từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể người. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.
Phần lớn các trường hợp gây bệnh dại ở người do chó cắn, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh dại do vết cắn, cào của mèo, cầy, chó rừng, cáo, dơi, chó sói và các loại động vật ăn thịt khác. Các động vật có vú máu nóng như ngựa, trâu, bò... cũng có thể là ổ chứa virus dại, tuy nhiên ít nguy hiểm do không có khuynh hướng cắn, tấn công người. Đôi khi bệnh có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh khác ở trâu bò như lở mồm long móng, nhiễm trùng máu có xung huyết khiến người chăm sóc chủ quan.
Với thắc mắc của bạn, việc ăn thịt bò, trâu tái bị bệnh dại vẫn có nguy cơ lây truyền bệnh dại sang người. Do đó, bạn nên ăn nguồn thịt đảm bảo nguồn gốc và nấu chín trước khi ăn vì virus dại sẽ chết khi được nấu chín hoàn toàn.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người dân nuôi chó, mèo, trâu, bò, ngựa... cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc với động vật có nguy cơ mắc bệnh dại có thể chủ động tiêm vaccine dại dự phòng trước khi bị cắn, cào để phòng bệnh. Lịch tiêm ngừa trước phơi nhiễm gồm ba mũi, sau mỗi lần bị cắn cào thì chỉ cần hai mũi, thay vì có thể tiêm đến 5 mũi và huyết thanh kháng dại.
Hiện Việt Nam đang lưu hành hai loại vaccine Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Đây là các vaccine tinh chế, thế hệ mới, không chứa các tế bào thần kinh. Từ đó, mũi tiêm an toàn hơn, không ảnh hưởng đến sức khỏe hay trí nhớ của người tiêm.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC