Tác giả Vũ Thị Minh Huyền hiện là Tiến sĩ công tác tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Sáng 3/12, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại sự việc một nữ sinh trộm chiếc váy ngắn trị giá 160.000 đồng ở một shop quần áo trên đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa và bị chủ cửa hàng bắt quả tang. Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự làm nhục người khác; cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại shop quần áo Mai Hường. Đồng thờ là quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường, sinh năm 1992, về tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản; khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trịnh Đình Anh, sinh năm 1990 (là chồng của Hường) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Hãy nhìn từ vụ việc này, nếu phát hiện cô bé có hành vi trộm cắp tài sản thì chủ shop chỉ được phép "giữ nguyên hiện trường", trình báo sự việc cho cơ quan chức năng để xử lý. Làm vậy, họ sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận. Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền. Ở đó, mọi hành động đều phải được điều chỉnh theo luật pháp, không ai được quyền đặt mình cao hơn pháp luật, làm thay luật pháp. Những bài viết "bóc phốt" dù đầy đủ bằng chứng đi chăng nữa cũng vẫn sẽ bị quy vào tội làm nhục người khác.
Mạng xã hội không phải tòa án. Mỗi chúng ta không phải là thẩm phán trên mạng xã hội, nên không thể phân xử hay kết án bất cứ ai. Nhưng dường như, không nhiều người biết điều này, hoặc cố tình không hiểu. Họ vẫn sử dụng mạng xã hội một cách thiếu văn minh, sử dụng chúng như một công cụ để công kích, "vạch trần" người khác. Và vì thế, có một thuật ngữ mới xuất hiện là "bóc phốt". Thế nhưng, không phải lúc nào người "bóc phốt" cũng ý thức được hành vi của mình là đúng luật hay phạm luật.
>> Thời của những 'thẩm phán, đồ tể online'
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác
Theo Hiến pháp 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn". Do đó, hình ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ nhà... đều được coi là thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật bảo vệ.
Theo pháp luật Việt Nam, nếu dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên mạng xã hội (hướng tới một cá nhân cụ thể), có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2.
Làm nhục và vu khống người khác
Những người "bóc phốt" thường sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử, nên nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, họ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo khoản 2 Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 03 tháng đến 2 năm tù. Nếu hành vi "bóc phốt" là bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm theo khoản 2 Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015.
>> 'Đánh hội đồng' trên mạng xã hội mùa Covid
Sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác
Tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích "bóc phốt" trên mạng xã hội có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng cho hành vi: "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".
Về trách nhiệm dân sự
Căn cứ Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Theo Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
"a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định".
Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự; nhân phẩm; uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trong một số trường hợp, ví dụ đọc trộm tin nhắn của người khác, chụp lại màn hình rồi tung lên mạng để "bóc phốt" thì có thể bị xử lý về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159, Bộ luật Hình sự 2015)...
>> Cuộc sống 'drama không hồi kết' trên Facebook
Tóm lại, trên mạng xã hội, cũng như ngoài đời thật, những câu chửi rủa hay vạch mặt nhau không chỉ nói lên văn hóa ứng xử giữa người với người, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật. Nếu vượt quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Câu chuyện shop quần áo trên khiến chúng ta bức xúc, tranh luận về sự đối xử giữa con người và con người. Nhưng hãy thử nghĩ về những điều sâu xa hơn, về cách chúng ta hành xử trong cuộc sống này, về việc tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Giá như cô bé không đến cửa hàng để ăn trộm chiếc váy; giá như chủ shop bắt được kẻ trộm giao nộp cho công an thay vì tự mình làm pháp luật xử án, thì có lẽ mọi chuyện đã không bị đẩy đi quá xa như vậy.
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy. Cùng với những cá nhân có cái "tôi" quá lớn, là những "anh hùng bàn phím" không ngừng chạy đua theo các trào lưu, xông vào mọi ngóc ngách cuộc sống đời tư người khác để chửi rủa bất chấp đúng sai.
Đấu tranh với cái xấu là trách nhiệm của mỗi công dân và xã hội. Thế nhưng, nhất định không phải là săm soi tìm cái xấu của người khác để tung hê lên mạng. Người ngoài cuộc nhìn vào, chỉ thấy trong cuộc chiến "tương tàn" ấy, là những hình ảnh không khác mấy so với đấu tố thời trung cổ. Phía sau những màn bóc phốt, thóa mạ không có hồi kết ấy, là những "chật hẹp" cá nhân, lợi ích nhóm và những hành xử không đáng có. Đôi khi, đó là sự rùng mình bởi tất cả những gì hiển hiện là sự lạnh lẽo, bạc bẽo, thủ đoạn nham hiểm, cay độc giữa con người với con người, tìm mọi cách giẫm đạp lên người khác để thăng tiến, để trục lợi cá nhân.
>> Bình luận mạng xã hội - 'thòng lọng' treo trên đầu mỗi người
Chúng ta đang bước dần tới cuộc sống văn minh, những màn bóc phốt không làm họ ở trên cao hơn người khác. Bởi khi không thể kiểm soát cơn nóng giận của bản thân, đồng thời họ cũng làm mất chính mình và cả đời họ sẽ không thể nhận được tình cảm chân thành từ những người xung quanh. Mạng ảo nhưng cuộc sống và những con người phía sau đó là thật.
Tại sao chúng ta không thể sống điềm tĩnh và tử tế, biết tha thứ và giữ lòng yêu thương, giữa công bằng của pháp quyền và công lý của sự cuồng nộ... để mỗi người cố gắng ứng xử tử tế khi đối diện với giận dữ. Đó là việc dừng lại và chờ cho đến khi tiếng nói cất lên không phải tiếng nói của nỗi căm ghét, mà là của lòng từ tâm. Chỉ có sự tử tế, sự tôn trọng, lòng vị tha mới là điều còn lại làm nên những giá trị tốt đẹp trong những hành xử giữa con người với con người. Đó mới chính là điều khiến người khác khâm phục và nể trọng nhân cách của bạn.
Dù là tội lớn hay tội nhỏ, những ai còn lên mạng xã hội làm nhục người khác, không thượng tôn pháp luật, sẽ có ngày phải trả giá rất đắt với chính những hành vi xem nhẹ pháp luật của mình.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.