-
11h30
Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi sáng; tiếp tục chất vấn từ 14h chiều nay (10/11).
-
11h10
Vaccine không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ em
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nêu vấn đề, có ý kiến cho rằng vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ. Ông đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này và cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm.
Bộ trưởng Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện loại vaccine này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. "Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng", ông Long cho hay.
Vaccine duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer-BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vaccine này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào.
Theo ông Long, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Hoa Kỳ khẳng định không có; và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.
"Tất cả vaccine cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em", Bộ trưởng Y tế khẳng định.
-
10h50
Lãnh đạo bệnh viện cần có năng lực chuyên môn và quản trị
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc làm quản trị giỏi và đề nghị xem xét tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói các quy định hiện hành đã nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý ở đơn vị sự nghiệp. Nghị định của Chính phủ quy định khung, sau đó các Bộ chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định cụ thể chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm trong ngành y. Nhưng thực tiễn, cũng có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, nhân sự quản lý có năng lực chuyên môn, nhưng chưa có năng lực về quản trị.
Từ thực tiễn trên, với góc độ của ngành, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo nhân sự lãnh đạo vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị, trường hợp cụ thể thì cân nhắc. Khi đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công, lãnh đạo cần có năng lực quản trị, đáp ứng yêu cầu của việc đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế.
"Cũng cần làm rõ về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu với đơn vị sự nghiệp khi đang thực hiện tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành y tế", bà Trà nói.
-
10h40
'Việt Nam tiếp cận sớm nhưng mua vaccine muộn'
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu băn khoăn của cử tri, nếu Việt Nam triển khai chiến lược vaccine sớm hơn thì sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của? Trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước. Theo ông, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với Covax. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm. Thứ nhất là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay.
Thứ hai, một số nước phát triển sản xuất được vaccine đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. "Chúng tôi cho rằng đây là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung ứng vaccine trên quy mô toàn cầu. Có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần", ông Long nói.
Thứ ba, theo ông Long, tâm lý sử dụng vaccine "không phải lúc nào cũng như hiện nay". Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ tư, ông Long liệt kê hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vaccine, trong đó có cả rào cản về pháp luật. Bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.
"Đây là những khó khăn trong việc mua vaccine. Những vấn đề này, luật pháp Việt Nam cũng chưa có quy định", ông Long nói.
Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh.
"Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022", Bộ trưởng Long nói.
-
10h30
Quản lý thời gian hành nghề của bác sĩ
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) băn khoăn, "nhiều bác sỹ liên kết xây dựng phòng mạch riêng thì có ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện không?".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói quy định hiện hành cho phép bác sĩ được lập các phòng khám làm việc ngoài giờ, qua đó đảm bảo thu nhập và nâng cao năng lực. "Chúng ta không nên phân biệt giữa công và tư vì chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là sự phối hợp giữa các hệ thống y tế", ông Long nói.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có những quy định quản lý thời gian hành nghề, để bác sĩ có đủ thời gian tái tạo sức lao động, đảm bảo công việc trong đơn vị công lập. "Chúng tôi nghiêm cấm các đơn vị công lập kết thúc công việc chữa trị để đưa bệnh nhân ra phòng khám tư nhân. Bộ đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm", ông Long cho hay.
-
10h25
'Nhiều nơi nóng vội trong xã hội hóa y tế'
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi về vấn đề xã hội hóa trong y tế, khi nhiều đơn vị tư nhân đầu tư máy móc thiết bị với mục đích thu lợi nhuận, nhiều cán bộ ngành y tế vướng lao lý.
Với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực y tế là chủ trương đúng đắn. Bởi, việc đẩy mạnh xã hội hóa giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. "Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách", Bộ trưởng nêu ý kiến.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận việc thực hiện xã hội hóa nhiều nơi chưa nghiêm, chưa đúng, nhiều khi nóng vội, mang tính cá nhân, dẫn tới sai phạm. Bộ trưởng cho rằng, việc tăng cường huy động nguồn lực xã hội là cần thiết, nhưng cũng phải hình thành hàng lang pháp lý đầy đủ. Bộ y tế đã trình Chính phủ Nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hóa, đồng thời đề nghị xây dựng nghị định riêng cho ngành y tế.
"Hy vọng tới đây khi nghị định này được thông qua sẽ giải quyết thấu đáo được các vấn đề trong xã hội hóa, tránh sai phạm, quản lý giá công khai minh bạch", Bộ trưởng nói.
-
10h15
Bộ trưởng Y tế: Đau lòng vì sai phạm trong ngành, nhưng phải xử lý đúng quy định
Đại biểu Hoàng Văn Cường, tranh luận về vấn đề quản lý kinh tế trong bệnh viện, cho rằng các giải pháp Bộ trưởng đưa ra chưa thỏa đáng. "Bộ trưởng nói sẽ phân công người phụ trách về kinh tế trong bệnh viện. Nhưng nếu xảy ra sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm", ông Cường phân tích.
Theo quy định, hàng năm cơ quan chủ quản đều phải duyệt quyết toán với vốn sử dụng từ ngân sách, còn hoạt động từ vốn của đơn vị thì phải kiểm tra báo cáo tài chính. "Những cơ quan có chuyên môn về kinh tế khi kiểm tra các báo cáo tài chính không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế làm sao phát hiện ra được", ông Cường nói và cho rằng trong này có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Trả lời đại biểu Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị.
Ở mỗi đơn vị, người đứng đầu chịu trách nhiệm thiết lập cơ chế làm việc, kiểm tra, giám sát và triển khai công việc. Do vậy, nếu đơn vị xảy ra sai phạm thì dù trực tiếp hay gián tiếp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật với cơ sở y tế toàn quốc. Nhưng với vấn đề nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra thì do UBND các tỉnh, thành. Địa phương cũng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, nhưng chỉ mang tính chuyên môn; còn về kinh tế, đấu thầu, mua sắm do địa phương xử lý.
Thời gian qua, Bộ Y tế thường xuyên nhắc nhở các đơn vị phải chấp hành đúng quy định về quản lý đấu thầu, mua sắm. Ông Long cũng chia sẻ thực tế, Chính phủ cho phép mua sắm trang thiết bị y tế trong tình trạng khẩn cấp, nhưng một số địa phương vẫn có tâm lý "ngại mua sắm".
"Chúng ta rất đau lòng vì những sai phạm xảy ra, nhưng phải xử lý đúng quy định", ông Long nói thêm.
-
10h00
'Cùng một cấp độ dịch, biện pháp không nên khác nhau quá nhiều'
Tham gia tranh luận, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, năng lực y tế, khu cách ly tập trung..., từng địa phương đưa ra giải pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân, phòng chống lây lan trong cộng đồng.
Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về và F1. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Hôm qua, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp, khó lường.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và cách ly, thích ứng linh hoạt với tình hình địa phương", bà Hà nói.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói về 2 tranh luận của đại biểu Hoàng Mạnh Cường (về việc cách ly hay không trường hợp đi chung thang máy với F0) và phát biểu nêu trên của bà Trần Thị Nhị Hà.
"Một trong những vấn đề cử tri quan tâm hiện nay là thống nhất từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Bộ trưởng cho hay thông tư hướng dẫn của Bộ không quy định. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà thì nói rằng đã làm nghiêm theo quy định của Bộ, bây giờ vấn đề này còn lại là gì?", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch của Hà Nội. Theo ông, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước nên mọi quyết định, chính sách phải được đánh giá kỹ lưỡng. Bộ đồng tình các giải pháp chống dịch được thực hiện linh hoạt với từng địa phương, địa bàn theo hướng dẫn chung.
Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả theo đặc thù từng địa phương, nguy cơ dịch bệnh và khả năng của hệ thống y tế trên địa bàn... Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, các địa phương điều chỉnh dần biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng bộ.
"Tôi lưu ý cùng một cấp độ dịch bệnh thì biện pháp không nên khác nhau quá nhiều", ông Long nói, mong muốn thủ đô sẽ quản lý phòng, chống dịch tốt.
-
9h30
Chỉ xét nghiệm với người về từ vùng dịch
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu câu hỏi về vấn đề thời gian hiệu lực xét nghiệm khác nhau giữa nhiều địa phương, có nơi quy định 72h, có nơi 48h, thậm chí 24h. "Vậy chuẩn là bao nhiêu ngày phải xét nghiệm lại?", ông Hạ hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, xét nghiệm Covid-19 là vấn đề quan trọng, được WHO khuyến nghị liên tục bởi 80% ca nhiễm là không có triệu chứng. Thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm cũng có giá trị khác nhau giữa các nước, nhưng cơ bản là lấy mốc thời gian 72h. Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng an toàn hiện nay, Bộ trưởng cho biết việc xét nghiệm chỉ thực hiện với người đi từ vùng dịch ra bên ngoài, không xét nghiệm khi người dân di chuyển ở vùng tương đồng với nhau. Đơn cử như việc đi lại giữa 19 tỉnh, thành phố phía Nam thì không phải xét nghiệm, việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi đi ra khỏi khu vực.
"Chúng ta chỉ xét nghiệm với người dân đi từ vùng dịch trở về, và đó là trách nhiệm của cơ quan y tế không phải người dân phải tự đi xét nghiệm. Chúng ta phải nhận cái khó về chúng ta, không gây khó với người dân", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu câu hỏi về thực trạng nhiều ổ dịch mới phát sinh gần đây do làn sóng trở về của người lao động, "vùng xanh biến thành vùng vàng, vùng cam".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo con số sơ bộ, có khoảng 1,6 triệu người lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đi về các địa phương và hiện cũng bắt đầu có hiện tượng di chuyển ngược lại.
Đối với tất cả những người đi về địa phương, Bộ Y tế xác định là nhóm có yếu tố nguy cơ, nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Tuy nhiên, số lượng người dân đi lại rất lớn. Bộ trưởng cho biết đã đề nghị các địa phương thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo công tác chống dịch, tốt nhất là tổ chức đưa đón người dân trở về.
"Chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn thì không thể không có ca nhiễm, nhưng quan trọng là chúng ta kiểm soát rủi ro về nguy cơ tăng nặng ca bệnh, nguy cơ tử vong", Bộ trưởng nói.
-
9h25
Đưa khám sàng lọc vào danh mục dùng bảo hiểm y tế
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) về hạn chế trong khâu khám sàng lọc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo luật bảo hiểm y tế hiện nay, khâu khám sàng lọc chưa được sử dụng ngân sách bảo hiểm y tế. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trình sửa đổi Luật bảo hiểm y tế, dự kiến đưa vào nội dung sử dụng ngân sách bảo hiểm y tế để khám sàng lọc sức khỏe người dân, để chăm sóc sớm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm", Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế đang xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó đảm bảo mỗi người dân có thể khám sàng lọc ít nhất một lần mỗi năm. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương sử dụng ngân sách để khám sàng lọc cho người dân.
Vấn đề trung tâm y tế, đặc biệt trong khâu thanh quyết toán, Bộ trưởng cho biết Bộ nhận một phần trách nhiệm. Khi tổng kết lại, việc chi tiêu với trung tâm y tế hiện nay ở mức độ rất thấp, 75% lượt khám bệnh được thực hiện ở cấp này, nhưng tổng mức chi tiêu chỉ khoảng 34%, đối với tuyến xã tỷ lệ này chỉ có 2%. "Cho nên việc cải cách cơ chế tài chính với y tế tuyến huyện là vấn đề đang đặt ra, và Bộ đang đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, có thể thực hiện nhiều phương thức", Bộ trưởng nói.
Với câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về vấn đề tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý, cũng như trách nhiệm trong một số vụ việc vi phạm của cán bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói những vi phạm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do cơ chế, hướng dẫn, nhưng cũng do những vi phạm mang tính cá nhân.
"Mặc dù quy định đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có sai phạm, rồi tham ô, tham nhũng, những điều này chúng tôi lên án và các cơ quan chức năng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật", Bộ trưởng nói. Mặt khác, Bộ trưởng cho biết ngành Y tế sẽ tiếp tục rà soát quy định về mua sắm, đấu thầu, phân cấp phân quyền. Bộ đã có nhiều văn bản, hướng dẫn để tăng cường giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương tăng cường giám sát với các đơn vị trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng chống, xử lý các trường hợp vi phạm.