Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Thường trực Ủy ban Tư pháp), nêu thực trạng một số tỉnh, thành dù người lớn đã đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến. "Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng ý kiến thế nào?"
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức hội nghị với các địa phương, tinh thần là "các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học".
Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học vừa đảm bảo an toàn. Ông nói thêm, các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học vì "hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, trẻ 6-11 tuổi không nên chờ". Hơn nữa, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không lớn. "Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2", Bộ trưởng Long nói.
Theo lãnh đạo ngành Y tế, Nghị quyết 128 nêu rõ địa phương tình trạng dịch bệnh ở ở cấp độ 1 đi học bình thường, cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, nhưng đến nay mới có 22 tỉnh, thành lên kế hoạch mở cửa trường học.
Bày tỏ quan tâm về việc tiêm vaccine cho trẻ em, đại biểu Trần Hữu Hậu (Hội Luật gia tỉnh Tây Ninh) nêu vấn đề, có ý kiến cho rằng vaccine chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ.
Ông đề nghị Bộ trưởng Y tế trả lời về vấn đề này và cơ sở khoa học nào để Bộ triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi?
Bộ trưởng Long nói việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em được đưa ra sau khi đã tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học.
Bộ cũng căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ từ 12 tuổi. Hiện nay, loại vaccine này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia. "Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng", ông Long cho hay.
Vaccine duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer-BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vaccine này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người mà vào bào tương, giúp sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào đó.
Theo ông Long, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vaccine vào ADN của người, nên FDA, CDC Mỹ khẳng định vaccine không gây đột biến và không ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ. Việt Nam đang tiếp tục theo dõi vấn đề này.
"Tất cả vaccine cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ", Bộ trưởng Y tế khẳng định.