Sáng 10/11, phiên chất vấn tại nghị trường diễn ra sôi nổi. Trước sai phạm của một số cán bộ ngành y trong thời gian gần đây, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nêu thực trạng một số cán bộ y tế vi phạm về đấu thầu, vướng vòng lao lý. "Bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng quản trị chưa tốt. Vậy đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn chưa? Bộ trưởng có suy nghĩ gì?", ông chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều thay đổi về quản lý cũng như bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện. "Với các bệnh viện, chúng tôi đề nghị có một lãnh đạo quản lý về kinh tế, có thể là tài chính, kế toán. Thời gian qua một số đơn vị đã triển khai vấn đề này. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đại biểu để việc quản lý ngành được minh bạch hơn, nhất là quản lý tài chính với các cơ sở y tế công lập", ông Long trả lời.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu câu hỏi về trách nhiệm trong một số vụ việc vi phạm của cán bộ y tế, Bộ trưởng Long nói những vi phạm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do cơ chế, hướng dẫn, nhưng cũng do những vi phạm mang tính cá nhân.
"Mặc dù quy định đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có sai phạm, rồi tham ô, tham nhũng, những điều này chúng tôi lên án và các cơ quan chức năng sẽ xử lý đúng quy định pháp luật", Bộ trưởng nói. Theo ông Long, ngành Y sẽ tiếp tục rà soát quy định về mua sắm, đấu thầu, phân cấp phân quyền. Bộ đã có nhiều văn bản, hướng dẫn để tăng cường giám sát đối với các đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường giám sát với đơn vị trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng chống, xử lý các trường hợp vi phạm.
Tham gia tranh luận, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng các giải pháp Bộ trưởng đưa ra chưa thỏa đáng. "Bộ trưởng nói sẽ phân công người phụ trách về kinh tế trong bệnh viện. Nhưng nếu xảy ra sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm", ông Cường phân tích.
Ông nói, theo quy định, hàng năm cơ quan chủ quản đều phải duyệt quyết toán với vốn sử dụng từ ngân sách, còn hoạt động từ vốn của đơn vị thì phải kiểm tra báo cáo tài chính. Mhững cơ quan có chuyên môn về kinh tế khi kiểm tra báo cáo tài chính không phát hiện ra sai phạm, làm sao các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế phát hiện ra được? Vì vậy, đại biểu Cường cho rằng, những sai phạm vừa qua có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị. Ở mỗi đơn vị, người đứng đầu chịu trách nhiệm thiết lập cơ chế làm việc, kiểm tra, giám sát và triển khai công việc. Do vậy, nếu đơn vị xảy ra sai phạm thì dù trực tiếp hay gián tiếp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật với cơ sở y tế toàn quốc. Nhưng với vấn đề nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra lại do UBND các tỉnh, thành. Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, nhưng chỉ mang tính chuyên môn; còn về kinh tế, đấu thầu, mua sắm do địa phương xử lý.
Thời gian qua, Bộ Y tế thường xuyên nhắc nhở các đơn vị phải chấp hành đúng quy định về quản lý đấu thầu, mua sắm. Trong thực tế, Chính phủ cho phép mua sắm trang thiết bị y tế trong tình trạng khẩn cấp, nhưng một số địa phương vẫn có tâm lý "ngại mua sắm".
"Chúng ta rất đau lòng vì những sai phạm xảy ra, nhưng phải xử lý đúng quy định", ông Long nói thêm.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đặt câu hỏi về vấn đề xã hội hóa trong y tế, khi nhiều đơn vị tư nhân đầu tư máy móc thiết bị với mục đích thu lợi nhuận, từ đó dẫn đến một số cán bộ ngành y tế vướng lao lý.
Với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định việc huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực y tế là chủ trương đúng đắn. Bởi, việc đẩy mạnh xã hội hóa giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, "không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách".
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng thừa nhận xã hội hóa nhiều nơi chưa nghiêm, chưa đúng, nhiều khi nóng vội, mang tính cá nhân, dẫn tới sai phạm. Do đó, việc tăng cường huy động nguồn lực xã hội là cần thiết, nhưng cũng phải hình thành hàng lang pháp lý đầy đủ. Bộ y tế đã trình Chính phủ Nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hóa, đồng thời đề nghị xây dựng nghị định riêng cho ngành y tế.
"Hy vọng tới đây khi nghị định này được thông qua sẽ giải quyết thấu đáo được các vấn đề trong xã hội hóa, tránh sai phạm, quản lý giá minh bạch", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu băn khoăn, nếu Việt Nam triển khai chiến lược vaccine sớm hơn thì sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của. "Trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine như thế nào?", bà chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước. Theo ông, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với Covax. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm. Đó là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay; một số nước phát triển sản xuất được vaccine đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn; do tâm lý sử dụng vaccine "không phải lúc nào cũng như hiện nay" (đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới); và hàng loạt khó khăn, trong đó có cả rào cản về pháp luật, bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết...
"Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu", ông Long nói, cho biết Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.
Theo lãnh đạo ngành Y, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh. "Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022", Bộ trưởng Long nói.
Trong 15 phút đầu phiên làm việc chiều nay (10/11), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu, sau đó Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ giải trình thêm.
Hoàng Thùy - Viết Tuân - Minh Sơn