Ý định xây cầu Cát Lái được hai địa phương ấp ủ nhiều năm trước khi nhu cầu đi lại giữa các quận 2, 9 (nay thuộc TP Thủ Đức) qua khu đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai) ngày càng cao, nhưng kết nối trực tiếp giữa hai bên chỉ có phà Cát Lái. Mỗi ngày, hàng chục nghìn người ở hai bờ phải đi phà nếu không muốn chạy vòng theo quốc lộ 51 hoặc đi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dành cho ôtô.
Giao thông chưa thuận lợi cũng hạn chế việc vận chuyển hàng hóa giữa hai địa phương cũng như vùng Đông Nam Bộ. Hàng hoá ở các khu công nghiệp dọc quốc lộ 51, Nhơn Trạch qua cảng Cát Lái và từ TP HCM tới cảng Cái Mép - Thị Vải ngày càng tăng, song các xe chủ yếu phải chạy vòng theo xa lộ Hà Nội. Ngoài xảy ra ùn tắc, tuyến đường này khiến ôtô phải chạy xa hơn khoảng 7 km so với việc có đường nối trực tiếp Nhơn Trạch qua thành phố.
Năm 2016, TP HCM kiến nghị Thủ tướng bổ sung cầu Cát Lái vào quy hoạch giao thông vận tải nhằm thay bến phà hiện hữu. Cây cầu ngoài giúp kết nối thành phố qua Nhơn Trạch sẽ kết hợp quốc lộ 51, các cao tốc, Vành đai 3... tạo mạng lưới giao thông đồng bộ giữa TP HCM qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Công trình được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhất là phía Nhơn Trạch khi nơi này được quy hoạch lên thành phố.
Đề xuất được Thủ tướng chấp thuận và đưa vào quy hoạch năm 2017. Thời điểm đó, cầu Cát Lái được nghiên cứu dài 4,5 km; 8 làn xe. Công trình bắt đầu từ nút giao Mỹ Thuỷ (quận 2 nay là TP Thủ Đức), đi theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông hướng về tỉnh lộ 25B ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cầu dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với kinh phí khoảng 7.200 tỷ đồng và hoàn thành năm 2020.
Qua nhiều buổi làm việc, đến năm 2019, hai địa phương thống nhất Đồng Nai sẽ chủ trì việc đầu tư cầu Cát Lái và được Chính phủ chấp thuận. Đồng Nai và đơn vị tư vấn nghiên cứu sau đó đưa ra 5 phương án để TP HCM xem xét, trên cơ sở hạn chế tối đa ảnh hưởng quy hoạch, hoạt động cảng Cát Lái cũng như dự án khác ở khu vực.
Trong 5 hướng tuyến, đơn vị tư vấn nhận định phương án 1 - xây gần cảng Cát Lái (đã được Thủ tướng đồng ý) khó khả thi do phải mở rộng lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 lên 77 m, ảnh hưởng đời sống người dân; nguy cơ ùn tắc. Tư vấn đề xuất chọn phương án 2 - cầu từ nút giao Vành đai 2, đi dọc rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai, chạy qua xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch và nối cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuy nhiên, các bên đề nghị nghiên cứu thêm, do hướng này cũng ảnh hưởng nhiều quy hoạch phía TP HCM; nguy cơ ùn ứ ở nút giao Vành đai 2 và cầu Phú Mỹ...
Việc nghiên cứu xây phà Cát Lái tạm dừng hơn một năm do Covid-19 bùng phát. Mới đây, sau khi xem xét, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đánh giá phương án 4: cầu kết nối từ quận 7, vượt sông qua Đồng Nai nhiều ưu điểm so với gần cảng Cát Lái. Theo cách này, điểm đầu dự án ở đường Nguyễn Hữu Thọ, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua xã Phú Hữu, Phú Đông ở Nhơn Trạch rồi nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Phương án này cũng được cho sẽ tạo mạng lưới giao thông mới, dễ điều chỉnh quy hoạch cũng như thuận lợi giải phóng mặt bằng vì đi qua nhiều khu đất trống. Tuy nhiên, do vị trí đề xuất nối qua quận 7, chưa phù hợp tiêu chí ban đầu là xây cầu để thay phà.
Các bên dự tính không tiếp tục nghiên cứu phương án 3 và 5 mà chỉ tập trung vào phương án 1, 2 và 4. Trong đó với phương án một, Đồng Nai đề xuất nghiên cứu xây hầm vượt sông, thay vì cầu. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cách này khó khả thi do ngoài nhược điểm cũ, hầm vượt có chi phí xây dựng; duy tu, bảo trì lớn hơn nhiều so với xây cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết cầu Cát Lái là dự án liên vùng nên phải có ý kiến thống nhất hai địa phương, nhất là TP HCM. Sau khi được Thủ tướng giao chủ trì thực hiện dự, Đồng Nai đã khảo sát và đưa ra các hướng tuyến, song hiện thành phố chưa thống nhất phương án nào. "Đây là dự án rất quan trọng nên phải tính toán kỹ lưỡng", ông Dũng nói.
Còn theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hồ sơ đề xuất các phương án từ đơn vị tư vấn còn sơ sài, nên chưa đủ cơ sở chọn cách làm tối ưu. Mặt khác, khu vực trên đang thực hiện nhiều dự án kết nối TP HCM qua Đồng Nai như Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành; cùng một số công trình sắp triển khai, nên dự án cầu Cát Lái cần được nghiên cứu thêm để có hướng tuyến phù hợp nhất.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá việc xây dựng cầu Cát Lái là cần thiết cho sự phát triển của cả ba địa phương TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo ông cầu xây ở khu vực gần cảng Cát Lái kết nối Vũng Tàu sẽ có hiệu quả nhanh vì hạ tầng đã sẵn sàng, còn phía quận 7 thời gian sẽ dài hơn do cần chờ đầu tư công trình đồng bộ.
"Xây cầu Cát Lái sẽ gặp nhiều khó khăn như điều chỉnh quy hoạch, kinh phí giải toả mặt bằng lớn, song hai địa phương cần làm sớm vì thời gian càng kéo dài, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng sẽ càng tăng", ông nói.
Gia Minh - Phước Tuấn