Chiều 31/8, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra công tác thi công sửa chữa cầu Thăng Long.
Tại hiện trường, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, dự án sửa chữa cầu Thăng Long đã hoàn thành lắp đặt xong hai trạm trộn bê tông, hai nhà mái che di động dài 240 m, tháo dỡ xong hệ thống hộ lan hiện hữu dài 3,3 km. Với các hạng mục hàn đinh neo, cốt thép, bê tông nhựa polyme, đơn vị thi công đã hoàn thành thí nghiệm đầu vào, đang nhập vật liệu để chuẩn bị thi công.
Một trong những vấn đề dự án hiện nay là cần đưa chuyên gia nước ngoài, do nhà thầu Thành Hưng, thuê sang Việt Nam để sử dụng thiết bị đổ bê tông. Nhóm chuyên gia đã làm visa song chưa được đến Việt Nam do ảnh hưởng Covid-19, hiện vẫn họp trực tuyến với nhà thầu.

Đoạn giữa cầu đã được cào bóc các lớp nhựa phía trên, còn trơ tấm thép và chưa được làm sạch. Ảnh: Bá Đô.
Theo kế hoạch, ngày 5/9 một số chuyên gia nước ngoài bắt đầu tới Việt Nam, sau cách ly 14 ngày theo quy định, dự kiến 20/9 mới có mặt tại hiện trường để triển khai công việc.
"Chúng ta làm chủ công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long. Các chuyên gia nước ngoài chỉ thực hiện giám sát một số máy móc thiết bị đổ bê tông", ông Trường nói.
Ngoài ra, toàn bộ đinh neo phục vụ dự án cũng bị chậm đưa về Việt Nam do ảnh hưởng của dịch. Dự kiến tối 9/9, hàng về đến cảng Hải Phòng và được đưa tới công trường ngày 11/9. Việc hàn đinh neo sẽ do công nhân Việt Nam thực hiện.
Tại hiện trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, công tác sửa chữa cầu Thăng Long phải tiến hành ngay, không thể chờ đợi chuyên gia nước ngoài để ảnh hưởng đến dự án. Nếu đinh neo về chậm, nhà thầu phải tăng các mũi hàn và thiết bị hàn, kể cả làm ba ca để đáp ứng tiến độ.
Với nhóm chuyên gia nước ngoài giám sát máy móc đổ bê tông, ông Thể cho rằng nên bố trí thành hai đợt đến Việt Nam. Một nhóm khẩn trương vào trước 5/9 để hướng dẫn các kỹ sư Việt Nam tại công trường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và đoàn công tác kiểm tra tiến độ tại công trường. Ảnh: Anh Duy.
"Dự án này không thể sai sót, phải làm đúng quy trình vì đây là uy tín của ngành giao thông. Lần sửa chữa này sử dụng công nghệ hiện đại nhất, cầu được sửa chữa kỹ lưỡng hơn cả làm mới", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, công trình phải đảm bảo tuổi thọ ít nhất 10 năm.
Theo kế hoạch, việc hàn đinh neo sẽ được triển khai từ 15/9 đến 30/11; thi công cốt thép tiếp đến đầu tháng 12 và lắp đặt khe co giãn, đổ bê tông cường độ cao đến 14/12; thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa polyme đến 27/12. Dự án sẽ hoàn thành thông xe trước ngày 31/12.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng. Lần sửa chữa này, mặt cầu bản thép sẽ được cải tạo thành mặt cầu liên hợp nhẹ. Bản mặt thép kết dính với bê tông siêu tính năng bằng đinh neo; sau đó thảm một lớp bê tông nhựa trên lớp tạo nhám và dính bám.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa hơn chục lần với kinh phí cả trăm tỷ đồng.