Tại buổi giới thiệu công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào sáng 30/7, GS.TS Trần Đức Nhiệm, Trường Đại học Giao thông Vận tải, nói trước đây cầu này hư hỏng do mật độ xe lớn (khoảng 47.000 lượt xe mỗi ngày), kết cấu bản thép mỏng, bản mặt cầu chịu kéo theo cả phương dọc và ngang, bị võng cục bộ.
Trong các đợt sửa chữa thời gian qua, lớp phủ mặt cầu bê tông đều không đáp ứng được yêu cầu chịu tải, dính bám giữa lớp phủ mặt cầu với mặt cầu thép kém nên tuổi thọ không cao.
Theo ông Nhiệm, lần sửa chữa này mặt cầu bản thép sẽ được cải tạo thành mặt cầu liên hợp nhẹ; bản mặt thép kết dính với bê tông siêu tính năng bằng đinh neo; sau đó thảm một lớp bê tông nhựa trên lớp tạo nhám và dính bám.
"Việc sửa chữa lần này sẽ tăng cường độ cứng cho mặt cầu, giải quyết được vấn đề dính bám giữa mặt cầu và lớp phủ trong trường hợp xe tải trọng nặng, chống thấm đọng nước mặt cầu", ông Nhiệm nói.
GS.TS Tống Trần Tùng, nguyên giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải, đánh giá kết cấu cầu Thăng Long vẫn ổn định, chỉ hư hỏng lớp phủ bên trên. Năm 2009 cầu được sửa chữa bằng kết cấu bê tông không dính bám, chống thấm không phù hợp tại Việt Nam. Khi xe nặng chạy và lớp mặt này không chịu lực hoàn toàn nên nhanh bị xô đẩy, xuống cấp. Các sửa chữa về sau thực chất là vá víu để đảm bảo êm thuận.
"Mục tiêu sửa chữa cầu lần này là phải tạo ra dính bám giữa lớn phủ với bản mặt thép, tăng cường độ cứng khung, kết cấu chịu lực nhằm kéo dài tuổi thọ của cây cầu", ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, công nghệ hàn đinh neo lên bản thép (để kết dính bản mặt thép với lớp bê tông bên trên) được áp dụng lần này sẽ không làm thay đổi kết cấu chịu lực của bản thép đã lâu năm của cầu.
"Công nghệ này được áp dụng ở nhiều nước như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng việc sửa chữa cầu Thăng Long lần này sẽ thành công với độ bền trên 10 năm", ông Sỹ nói.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng. Dự kiến ngày 9/8 tới sẽ khởi công và hoàn thành sửa chữa vào cuối năm nay.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa hơn chục lần với kinh phí cả trăm tỷ đồng.
Trong đợt sửa chữa sắp tới, cầu Thăng Long sẽ được gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ; cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10. Mặt cầu được tăng cường lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén, dày 6 cm và thảm bê tông nhựa dài 4 cm; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun.