Chiều 20/7, ông Đặng Văn Trung, Phó vụ trưởng An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ), cho hay để phục vụ thi công cầu Thăng Long, các phương tiện ôtô lưu thông tầng trên sẽ được phân luồng đi các cầu qua sông Hồng như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Thanh Trì... Xe máy, xe thô sơ vẫn đi lại bình thường tầng dưới cầu.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành phương án phân luồng mang tính định hướng để hướng dẫn các xe. Sau 10 ngày phân luồng thử (từ 28/7), lực lượng chức năng sẽ nắm bắt các điểm ùn tắc để xử lý, trước khi cấm chính thức và thông tin cho các phương tiện.
Theo ông Trung, vấn đề nan giải nhất là có khoảng 10.000 lượt xe buýt và hàng trăm xe khách đi qua cầu Thăng Long sẽ phải chuyển sang đi qua cầu Nhật Tân; việc phân luồng sẽ ảnh hưởng đến đi lại của người dân do phải đi lộ trình dài hơn trước. Xe hợp đồng chở công nhân viên chức đi làm hai bên cầu Thăng Long cũng phải đi vòng qua cầu Nhật Tân.
![Cầu Thăng Long ngày càng hư hỏng nặng. Ảnh: Phương Sơn.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/20/cau-Thang-Long1-5069-1595237963.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=unlWaVJ-KLBSlIV95PNazA)
Cầu Thăng Long ngày càng hư hỏng nặng. Ảnh: Phương Sơn.
Hà Nội sẽ bố trí lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông phân luồng từ 28/7, bố trí lực lượng ở hai đầu cầu Thăng Long; tổ chức phân luồng tại các nút giao thông để giảm thiểu ùn tắc.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết cơ quan này đã ký hợp đồng thi công xây dựng và đang huy động vật liệu, nhân lực, thiết bị thi công sửa chữa cầu Thăng Long. Sau khi phân luồng tạm từ 28/7, nếu ổn định sẽ tiến hành khởi công sửa chữa ngay trong vài ngày sau.
"Tuy công trình không lớn song việc cấm cầu để sửa chữa ảnh hưởng đời sống của nhân dân thủ đô. Chúng tôi sẽ bố trí lực lượng phân luồng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, giảm thiểu ùn tắc giao thông", ông Huyện nói.
Về phương án sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ được gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ; cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép D10. Mặc cầu được tăng cường lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén, dày 6 cm và thảm bê tông nhựa dài 4 cm; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun.
Dự kiến kinh phí dự án sửa chữa cầu là 269 tỷ đồng bằng nguồn bảo trì đường bộ, công trình có tuổi thọ khoảng 10 năm.
Trả lời về phương án sửa chữa lần này có gì khác so với các trước đây, đại diện Tổng cục Đường bộ thông tin, cầu sử dụng công nghệ mới là hàn đinh neo lên bản thép để không làm thay đổi kết cấu chịu lực của bản thép đã lâu năm. Ngoài ra, mặt cầu được phủ lớp bê tông siêu tính năng sẽ đảm bảo bền vững. Đây là công nghệ mới của thế giới song lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam.
Cầu Thăng Long dài 1.680 m, gồm 15 nhịp dàn thép, tạo thành 5 nhịp cầu liên dầm liên tục. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Tầng trên là đường ôtô rộng 20 m, tầng dưới là đường sắt và đường xe thô sơ rộng 17 m,
Sau hơn 20 năm sử dụng, cầu Thăng Long bị hư hỏng bề mặt, lớp dính bám giữa bê tông nhựa và lớp chống thấm trên bản mặt thép bị suy giảm, gây trượt, tạo các vết nứt ngang, nứt xiên, dồn cục bê tông nhựa trên mặt cầu. Mặc dù đã được sửa chữa lớn 2 lần và duy tu thường xuyên, tình trạng xuống cấp thường xuyên xảy ra
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985.
>> Phương án phân luồng phục vụ sửa chữa cầu Thăng Long