Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở nơi cao nguyên Lâm Đồng. Đối với chuyện bỏ phố về rừng tôi không cổ vũ cũng không có ý ngăn cản các bạn đang có ý định đó, vì chung quy lại mỗi người đều có sự lựa chọn của riêng mình.
Nhưng hôm nay tôi xin nêu ra thực tại ở ngay chính mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên để các bạn có cái nhìn rõ hơn và xem xét cân nhắc quyết định của mình.
Nơi tôi ở xung quanh được bao bọc bởi núi rừng, những quả đồi xanh mướt, sừng sững, tiếng thông reo vi vu, không khí luôn trong lành, những đàn chim bay dạo trên bầu trời.
Tôi nhớ ngày bé mình với nhóm bạn hay rủ nhau lên rừng kiếm củi, hái sim, lượm quả thông, lượm than thật là vui biết mấy. Rồi dần dà sau này những người dân quanh khu vực đó họ dần lấn chiếm từng khu rừng ấy, họ đốn hạ, chặt cây, phá rừng thay vào đó là những rẫy cà phê, những nương chè.
>> Mộng mơ của người 'mua đất 200 triệu bỏ phố về rừng'
Tình trạng đó cứ mỗi năm lại nhiều thêm. Những cánh rừng dần thu hẹp, những quả đồi bằng phẳng dần, có những quả đồi nay đã biến mất hoàn toàn không để lại dấu vết. Đa phần những người đi khai phá đó là những người nông dân nghèo, do những gánh nặng về kinh tế, để mưu sinh nên đã bất chấp để có được miếng đất lập nghiệp. Họ coi đó là nương rẫy, chứ ít ai xây nhà ở trên đó, vì đường sá đi lại khó khăn, xa chợ, thị trấn, trường học, thiếu điện, nước.
Thế nhưng khoảng hai năm trở lại đây tình trạng sốt đất nơi tôi ở bắt đầu. Tôi không rõ bắt đầu từ khi nào và vì sao giá đất mỗi ngày một tăng chóng mặt. Giá đất đã được đẩy lên gấp 5 gấp 10 so với trước đây.
Đáng bàn là những miếng đất mà trước kia chẳng ai muốn mua thì nay lại được săn lùng nhiều nhất. Họ nói rằng nơi nào có vị trí càng ở trên cao càng đẹp, vì ở trên cao có thể ngắm toàn cảnh ở dưới, rồi có thể ngắm mây, gần với núi rừng và thích hợp làm khu du lịch, nghỉ dưỡng.
Cũng bởi vậy nên những người dân thi nhau bán đất, người mua thì tấp nập, nào là người Sài Gòn, người Đồng Nai hay Bình Dương... Bạn bè tôi, nhiều người nay đã thành cò chuyên môi giới đất đai và giàu lên nhanh chóng.
Những người có tiền không có nhu cầu về đất ở nhưng cũng tranh thủ săn tìm đất giá rẻ mua rồi lại bán lại kiếm lời. Những người bán đất có tiền lại đi tìm mua miếng đất khác để lập nghiệp. Đất ở những nơi thế đẹp, gần trung tâm giá nay đã cao quá không mua nổi, họ lại chuyển hướng mua ở những vùng sâu hơn, xa hơn một chút, rồi lại chút nữa. Cứ thế, khắp nơi người mua rồi bán, kẻ bán rồi mua, cò tranh nhau đất đã đẩy giá đất cao lên ngất ngưởng.
Không bàn về chuyện giá đất lên cao thì người dân quê tôi có lợi hay không nhưng có một thực tế đáng buồn là những người chủ đất mới họ làm gì trên miếng đất mới?
Tất nhiên những người từ nơi khác đến đa phần họ không mua để làm vườn, những nương cà phê, chè hay dâu sẽ được dọn sạch, thay vào đó là những công trình xây dựng, nào là nhà, biệt thự, quán cà phê, nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cứ mọc lên hàng ngày, họ thuê xe múc đất, ban đất, xẻ đường, đổ bê tông... sự thay đổi ấy diễn ra quá nhanh, quá nhiều đến nỗi tôi không còn nhận ra quê mình nữa.
>> Lầm tưởng bỏ phố về rừng là 'mua đất, xây nhà bê tông'
Những căn nhà mọc lên còn cánh rừng, quả đồi, nương dâu, nương chè, rẫy cà phê biến mất, màu xanh nay là màu gạch, ngói, xi măng. Những công trình thi công nhan nhản, không có quy hoạch, không ai quản lý.
Nếu cứ đà này chỉ 5 năm, 10 năm nữa, chính nơi này, mọi người sẽ lại bàn nhau bỏ phố về rừng thôi, nhưng rừng đâu nữa mà về hả mọi người? Cái nơi yên bình, mát mẻ, thông reo vi vu, chim hót líu lo mà mọi người mơ liệu rằng có thành hiện thực hay không? Còn với tôi, chắc lúc ấy chỉ còn trong những hồi ức mà thôi.
Bàn tay con người có thể tạo nên những điều thú vị, đẹp đẽ nhưng cũng chính bàn tay con người có thể sẽ phá nát bức tranh tuyệt đẹp của mẹ thiên nhiên để lại.
Hệ lụy của việc xây dựng không đồng bộ, mạnh ai lấy làm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái như thiếu nước trong mùa khô, sạt lở, thiên tai, ngập lụt, xói mòn, ô nhiễm môi trường, rác thải khắp nơi không được xử lý.
Chưa kể những khó khăn khi cơ sở hạ tầng của địa phương phát triển không kịp sự thay đổi này, các dịch vụ cũng không đáp ứng được những nhu cầu.
Tinh Thuy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.