Chúng tôi đã về rừng gần hai năm. Nơi tôi về là rừng bảo tồn quốc gia, và thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Chư Răng (Gia Lai). Chúng tôi làm dự án phát triển địa phương vùng cao chứ cũng không phải buông bỏ thành phố.
Nhưng giờ đây, các bạn tôi vẫn đang chật vật bán mít, bán bơ, cà phê từ vườn cho khách Sài Gòn. Nông sản nhiều khi còn phải dùng để đổi lấy vài ký gạo, cá, tôm. Gia đình nhỏ của các bạn cũng chưa dám sinh con vì cuộc sống còn quá vất vả, vẫn đang mày mò làm clip để kiếm tiền từ YouTube như bao người trẻ về rừng khác.
Nhiều người trẻ đã chọn lên Đà Lạt, về miền Tây, miền Trung... sinh sống với ước mong được tách biệt phố thị ồn ào, chật chội. Về cơ bản, họ đang sống cuộc đời mà nhiều người trẻ mơ ước, đó là khi thức dậy được hít thở khí trời, không phải làm những công việc áp lực, được sống ung dung tự tại.
Nhưng đó là bề nổi, còn phần chìm của quyết định này là vô số thử thách. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, cuộc sống ở rừng sẽ không như mơ, đôi khi là bi kịch.
Khi bạn thuê một mảnh đất làm nông nghiệp sạch. Theo cách làm này, hiểu nôm na là bạn chỉ cần gieo hạt và quan sát sự lớn lên của cây mà không cần tác động phân thuốc, còn lại mọi việc hoàn toàn phó mặc cho thiên nhiên.
Bạn khóc cho những cảm xúc đang dồn nén bấy lâu về một cuộc sống không như mơ, nhưng không có ai để giãi bày. Bạn kể về cảm giác mọi thứ sụp đổ trong cái đêm mưa gió quần tả tơi. Nhà dột, mền ướt, bạn chỉ mong trời mau sáng để có nắng sưởi ấm.
>> Lên Đà Lạt ở nửa tháng, tôi bỏ ý định về quê sống chậm
Nếu không có người thân bên cạnh an ủi, chắc nỗi tuyệt vọng càng dữ dội. Chấp nhận rời thành phố, đồng nghĩa với việc bỏ ngang một công việc có thu nhập ổn định để làm một công việc khác mà đồng ra, đồng vô không ổn, thậm chí... chẳng có đồng lương nào.
Vậy, nếu không có nguồn tiền dữ trữ đủ nhiều, không có sự hỗ trợ từ gia đình, thì đừng bỏ phố về rừng khi còn quá trẻ. Chấp nhận một cuộc sống thuần tự nhiên, chọn bỏ bớt những sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hiện đại, thì bạn phải đủ kiến thức, hiểu biết để tạo ra những thứ có giá trị sử dụng tương đương nhắm đáp ứng nhu cầu tối thiểu.
Một cuộc sống tiện nghi là điều ai cũng mong muốn, nhưng nếu việc bỏ bớt khiến bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì bạn có quyền tự do lựa chọn, nhưng đừng đẩy mình vào cảnh sống khắc khổ, đừng chọn cách chối từ những tiện ích.
Trong cuộc đời này, tôi nghĩ người từng trải va vấp nhiều, gặp nhiều sóng gió, sẽ biết đâu là điều bản thân mong cầu, những quyết định lớn không còn mang tính nhất thời thích thú, bồng bột.
Với người trẻ sớm tìm ra cách sống mà mình muốn, sớm biết được mình là ai trong cuộc đời, có thể suy nghĩ nghiêm túc về hướng đi "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ" như một câu thơ nổi tiếng.
Nhưng nếu về rừng với cái túi rỗng cùng một trái tim mơ mộng về một cuộc sống yên lành mà không có bất cứ kế hoạch nào thì sẽ dễ vỡ mộng và... vỡ mặt. Chưa kể, đó còn là lựa chọn của những người ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, đã không phụ giúp gia đình, còn khiến phụ huynh bất an, lo lắng.
>> Người trẻ nhụt chí đòi về quê
Không là người khác, không sống trong hoàn cảnh của họ thì đừng nên phán xét, tôi cũng không muốn góp thêm tiếng vào cuộc tranh cãi chuyện người trẻ chọn bỏ phố về rừng. Nhưng khi nhiều bạn bè quanh tôi ca tụng, cho đó là nguồn cảm hứng để một ngày đẹp trời sẽ chọn hướng đi tương tự, tôi nghe mà lo.
Thái Minh Tiến
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.