Bài viết Những người trẻ 'muốn nghỉ làm, lên Đà Lạt trồng rau' nói về những người trẻ, dưới áp lực công việc và cuộc sống ở thành thị, nhiều người trẻ đang muốn rời bỏ thị trường lao động để nghỉ ngơi.
Độc giả Hằng kể:
Trước khi muốn nghỉ việc, hãy thử một "bản nháp" ở thành phố, rồi quyết định không muộn.
Tôi có cô bạn bỏ phố lên Đắk Lắk từ năm ngoái. Nhìn thực tế bạn làm, tôi toát mồ hôi. Chả sung sướng gì đâu.
Hôm qua xem Facebook của bạn, thấy đăng cảnh nấu cơm bằng bếp củi mà hoảng. Thôi xuống bật bếp từ nấu nước ăn mì gói cho nhanh.
Nhà tôi còn lô đất 80 m2, ông xã đem ra làm vườn. Anh ấy làm, tôi ngồi xem thôi mà còn thấy cực. Làm từ giữa năm ngoái tới giờ vẫn còn cuốc cuốc đào đào. Tôi hỏi có muốn đi Tây nguyên giống cô bạn kia nữa không.
Anh cười rằng: "Thôi cho anh kiếu. May hôm bữa em xúi anh ra đây làm thử trước. Chứ mà nhảy đi như bạn em, chắc giờ khóc. Có khoảnh đất bé tí này mà còn muốn xỉu đây".
Công việc nào mà chả áp lực. Cố gắng thôi. Làm nông không dễ dàng đâu. Các bạn đừng có tưởng tượng.
Còn độc giả Anh Lê Ngọc nói về "tâm thế muốn sống YOLO như các bạn trẻ bây giờ:
Nhà tôi ở Sài Gòn. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây với đủ bố mẹ ông bà và không phải ở trọ xa nhà khi đi học đi làm như các bạn ở tỉnh. Ngày còn độc thân, tôi ra trường đi làm cũng với tâm thế YOLO như hầu hết bạn trẻ bây giờ. Lúc ấy tôi chỉ đơn giản nghĩ "chi phải cực dữ vậy, không thích thì mình nghỉ, chưa có việc thì từ từ mình kiếm, áp lực gì đâu.Vợ con không có, không phải nuôi cha mẹ, nhà cửa không cần kiếm, không ưng là nghỉ chứ cố đấm ăn xôi làm gì". Nhưng khi đã lấy vợ và nuôi hai đứa con, vay hơn nửa tỷ mua nhà, thì "sẩy nhà là ra thất nghiệp".
Là lao động chính trong nhà, tôi nay không còn kiểu YOLO như ngày đó nữa, mà cũng đã hướng vào ổn định bền vững. Mình sao cũng được, nhưng vợ con khổ là lỗi của mình, nên phải cố gắng. Cho nên tôi nghĩ rồi đến độ tuổi, thời điểm nào đó, chúng ta sẽ khác thôi.
Dưới góc độ xã hội học, độc giả có nickname LQL cho rằng:
"Khoảng cách thế hệ chính là nguyên nhân của việc không có tiếng nói chung, không có sự thông cảm giữa các thế hệ.
Mỗi thế hệ được định hình qua những tư tưởng thịnh hành trong thời gian đó và những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, quốc tế. Cho nên so sánh giữa thế hệ này tốt, thế hệ kia tệ là không hợp lý và không đầy đủ, thậm chí là phiến diện.
Điển hình các câu như "Thời xưa ông bà nuôi 10 đứa con cũng được, đâu như bọn trẻ bây giờ nuôi một đứa mà tính toán lên xuống" hay "bọn trẻ bây giờ áp lực có một tí mà đã chịu không được."
Đơn cử về vấn đề kinh tế bản thân, nếu các bạn nào trải qua thời kỳ bao cấp sẽ biết tác động của giai đoạn mở cửa 1986 nó to lớn như nào. Cơ hội đầy rẫy, chỉ cần anh thông minh, anh nhạy bén, anh có chút bằng cấp là anh sẽ có khả năng rất cao để gia tăng kinh tế bản thân.
Nhưng người trẻ bây giờ cạnh tranh rất lớn với nhau và với các thế hệ trước vì cơ hội đã có chủ cả rồi, họ phải tìm những hướng đi mới mà thế hệ cũ không rành, đó là công nghệ.
Thời trước, một người tốt nghiệp ngôn ngữ Anh là có thể có rất nhiều lớp dạy, thậm chí mở trung tâm Anh ngữ và hái ra tiền.
Bây giờ thì vẫn làm được đấy nhưng hái ra tiền thì không chắc sẽ được nữa mà chỉ ai rất xuất sắc hay giỏi thêm mảng khác phụ trợ mới hái ra tiền".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.