"Gen nào cũng có khó khăn ở thời kỳ của thế hệ đó. Lứa 7X, 8X lúc nhỏ chưa chắc đã có sữa để uống, phải chắt nước cơm ra pha đường để uống, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, chứ đừng nói ăn ngon, mặc đẹp như bây giờ. Hồi đó, trẻ em sáng được đi học, nhưng chiều phải về lao động phụ giúp gia đình từ nhỏ để nuôi con chữ, làm gì có mấy trung tâm học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài như bây giờ.
Máy tính cũng mãi tới thập niên 90 mới có MSDos, Win 95... điện thoại di động thì đến đầu 2000 mới có dạng cục gạch, làm gì có internet để tra cứu tài liệu phục vụ trong việc học như bây giờ... Thế nhưng nhiều người thời ấy vẫn thành công. Còn Gen Z hầu hết chưa trải qua khó khăn, khổ cực, được hưởng thụ nền giáo dục tốt hơn thế hệ trước nhiều, nhưng lại không biết tận dụng thì đó là lỗi của chính các bạn vì không chịu cố gắng phấn đấu mà thôi.
Giờ nhiều bạn trẻ Gen Z thất nghiệp ở nhà, vẫn có tiền chi tiêu cá nhân do được ba mẹ nuôi và chu cấp nên không lo nghĩ. Nhưng giả sử như gia đình các bạn không may phá sản hay gặp biến cố thì phải làm sao? Khi các bạn mỗi ngày mở mắt ra là phải lo đi kiếm tiền để có tiền trả tiền thuê nhà của ngày hôm đó, chưa tính tiền ăn, bệnh không dám nghỉ vì coi như ngày hôm đó không có tiền... thì các bạn sẽ hiểu thế nào mới là khó khăn, cực khổ.
Thế nên, các bạn Gen Z hãy bớt than vãn lại mà tập trung cố gắng làm việc, nếu thất nghiệp thì kiếm đỡ việc gì đó mà làm để có thu nhập trước mắt, duy trì cuộc sống, rồi từ từ tìm cơ hội kiếm việc đúng chuyên môn, có tương lai hơn. Không ai cứu được bạn ngoài chính bạn cả. Gen nào cũng phải cố gắng và vượt qua những khó khăn của thế hệ mình mới mong có được thành công".
Đó là quan điểm của độc giả Bxanh sau bài viết "Thật không may vì Gen Z vào đời đúng thời kinh tế khó khăn". Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tăng cao trong thời gian qua đang là câu chuyện gây nhiều tranh cãi.
>> Tôi phát ngán thái độ làm việc tùy hứng của nhiều đồng nghiệp Gen Z
Có ý kiến cho rằng thế hệ Z ngày nay đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 khiến cho triển vọng việc làm sụt giảm. Phản biện lại quan điểm này, bạn đọc Nguyenleminhhuy cho rằng: "Thực chất, khủng hoảng kinh tế thì lứa nào cũng dính, đó đã là quy luật của thế giới rồi. Cứ khoảng 10-15 năm sẽ lại có một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu. Trước đó, lứa 7X cũng đã phải trải qua khủng hoảng kinh tế năm 1997, lứa 8X cũng gặp khủng hoảng năm 2008 khi nhà dưới chuẩn Mỹ kéo theo một loạt ngân hàng phá sản.
Tôi cho rằng, thế hệ ngày nay do kinh tế gia đình khá giả, nên từ nhỏ họ được cha mẹ nuôi dạy đầy đủ về nhiều mặt, chỉ việc học, ăn và chơi, nên khả năng chịu khổ kém hơn, cái gì cũng phải đến lớp học dù là những kỹ năng sống đơn giản. Điều này khác hẳn với cuộc sống của các lứa đi trước khi họ phải lo đủ ăn, đủ mặc, và tự dành thời gian trải nghiệm ở ngoài cuộc sống thay vì dán mắt vào thế giới ảo trên Internet hay smartphone. Thực ra, đây là luồng chảy của xã hội, tôi cũng không hoàn toàn đổ lỗi cho ai hay lứa nào cả. Chỉ biết rằng, dù ở thế hệ nào, chúng ta cũng phải cố gắng thích nghi với thời cuộc để tìm cách vượt qua chứ không thể cứ than thân trách phận".
Lấy dẫn chứng từ chính thế hệ của mình, độc giả Ngoctu kết lại: "Thời nào cũng có cái khó riêng của thời đó. Khi tôi tốt nghiệp cũng phải rải hàng trăm hồ sơ xin việc và chỉ được gọi phỏng vấn ở ba công ty. Nơi nào tôi cũng phải trải qua từ 5-7 vòng phỏng vấn rất khắc nghiệt mới được tuyển dụng. Cái khác biệt lớn nhất giữa các thế hệ trước với Gen Z bây giờ có chăng là lứa 6X, 7X, 8X lớn lên trong sự nghèo khó, nên đều rất trân trọng công việc và có tinh thần cầu thị.
Còn Gen Z lớn lên khi bố mẹ họ (lứa 7X, 8X) đã có chút của ăn của để, đầu tư vào con cái theo cách nuông chiều để coi như bù đắp lại những thiếu thốn của họ trước đây. Hệ quả dẫn đến là các bạn trẻ lớn lên muốn gì là được đó, bỏ việc cũng không lo chết đói, nên cứ bất cần, cẩu thả, bỏ việc tùy ý và phàn nàn tối ngày khi bản thân không thấy hài lòng.
Ý thức đi sau hiện thực xã hội, chỉ khi nào chúng ta nhận ra rằng Gen Z một phần ra như bây giờ cũng có lỗi từ cách nuôi dạy con của lứa 7X, 8X thì các thế hệ sau này mới có ý thức thay đổi phù hợp hơn trong việc nuôi dạy con cái".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.