Xăng RON 92 hiện chỉ còn được dùng như xăng nền để pha chế xăng sinh học E5 RON 92. Năm ngoái Bộ Công Thương dự kiến bán đấu giá 102 triệu lít xăng RON 92 từ kho dự trữ quốc gia, để chuyển sang xăng RON 95 - loại xăng sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay - qua hình thức đấu thầu. Nhưng việc này tới nay chưa xong do vướng mắc về phương án, xác định giá tối thiểu, tối đa khi đấu giá, đấu thầu.
Lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo kiến nghị Thủ tướng gỡ khó khăn, Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng phương án và được Bộ Tài chính thẩm định, đồng ý giá khởi điểm tạm tính là 14.058 đồng một lít. Tuy nhiên, sau đó Bộ Tài chính đề nghị làm lại phương án giá do một số căn cứ pháp lý trước đó đã hết hiệu lực một phần hoặc toàn bộ.
Bộ Công Thương phân tích, theo Thông tư 25/2014 của Bộ Tài chính, giá tối thiểu được xác lập dựa trên giá bán thực tế trên thị trường, nhưng xăng dầu là mặt hàng đặc thù, thay đổi giá theo chu kỳ tính 3 lần một tháng (theo Nghị định 95/2021). Hơn nữa, xăng RON 92 không còn là mặt hàng được Nhà nước điều chỉnh giá nên thiếu cơ sở so sánh, tham chiếu khi lập phương án.
RON 92 hiện chỉ một số doanh nghiệp đầu mối phối trộn cần mua loại này. Tức là, đối tượng có khả năng mua lô hàng dự trữ quốc gia này không nhiều.
Bộ này dẫn thực tế, việc đổi hàng dự trữ quốc gia theo hình thức bán ra, mua vào theo quy định không thực hiện được, không có nhà thầu nào tham dự, sau đó đều phải giao cho doanh nghiệp chuyển đổi tại đơn vị.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, theo Bộ Công Thương, nếu xuất – nhập đổi hàng, mua, bán hàng theo quy định chung Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn luật hiện nay (đấu giá, đấu thầu) sẽ khó khăn, kéo dài và không thể thực hiện.
Không chỉ mắc kẹt khi chuyển đổi RON 92 sang RON 95, Bộ Công Thương cho hay còn gặp vướng quyết toán, cấp bù kinh phí từ năm 2015, để chuyển đổi lô dầu diesel 0,25S - loại đã ngừng bán từ năm 2016 - sang 0,05S.
Thủ tướng đã quyết định bổ sung 5,5 tỷ đồng kinh phí chuyển đổi chủng loại dầu diesel dự trữ quốc gia từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Tuy nhiên, đến nay việc quyết toán kinh phí chuyển đổi vẫn chưa được thực hiện do vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra.
5 năm qua, Việt Nam chưa phải xuất kho hàng dự trữ quốc gia cho tình huống đột xuất, khẩn cấp, song cơ quan quản lý cho rằng tới đây cần tăng lượng dự trữ để đáp ứng yêu cầu khi cần.
Theo Luật Dự trữ quốc gia, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược, song mức bình quân 5 năm qua khoảng trên 370.000 m3 một năm, tương đương 6,5 ngày tiêu thụ và 9 ngày nhập khẩu ròng. Dự trữ xăng dầu quốc gia tương đối mỏng, chỉ bằng 1/3 - 1/8 các nước.