Tại Việt Nam, dự trữ xăng dầu hiện có hai loại hình là dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia.
Với dự trữ lưu thông, theo Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải đảm bảo lượng hàng dự trữ lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề. Lượng hàng dự trữ này là mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh thường xuyên và họ tự bỏ chi phí duy trì tồn kho.
Tại báo cáo về quản lý Nhà nước mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đánh giá, 5 năm qua các doanh nghiệp đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa. Tuy vậy, trong một số thời điểm, nhất là giai đoạn nguồn cung trong nước gặp sự cố như hồi tháng 1 và 2 năm nay, "lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp không đủ 20 ngày".
Việc này dẫn tới khi nhu cầu tăng vọt, lượng hàng mà doanh nghiệp cung ứng cho hệ thống phân phối trực thuộc giữa các địa bàn không đồng đều, chưa cung ứng kịp cho các cửa hàng bán lẻ. Nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương vì thế bị gián đoạn, thiếu cục bộ.
Bộ Công Thương đánh giá, do doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí, trong khi giá tăng cao nên chi phí dự trữ tăng. Giá bán do Nhà nước kiểm soát lại gần như không gồm chi phí dự trữ, nên để đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp phải giảm tối đa hàng lưu kho.
Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu thường có tâm lý đổ xô đi mua khi có thông tin giá sắp tăng, dẫn tới nguy cơ về an toàn cháy nổ, ảnh hưởng tới cung cấp hàng liên tục của doanh nghiệp.
Còn với dự trữ xăng dầu quốc gia, mức bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ, theo bộ Công Thương, là thấp so với nhu cầu thực tế.
Trên thế giới, Mỹ hiện là quốc gia có kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) lớn nhất thế giới, được lập từ đầu thập niên 1970. Ở giai đoạn cao điểm, SPR lưu trữ 727 triệu thùng dầu (năm 2009), sau đó giảm dần về 714 triệu thùng. Mức này gấp gần 36 lần tiêu thụ bình quân của người Mỹ (20 triệu thùng dầu mỗi ngày).
Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) hồi giữa tháng 5, kho dự trữ dầu chiến lược của nước này đã giảm còn 538 triệu thùng sau các đợt xả mạnh nhằm hạ nhiệt giá xăng vì xung đột Nga - Ukraine. Tuy vậy, với mức này, hiện SPR vẫn đủ đáp ứng nhu cầu trong hơn một tháng của người dân Mỹ.
Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu, các sản phẩm xăng dầu nhiều nhất - cũng có kho dự trữ đáng kể. Không thường xuyên công bố quy mô dự trữ dầu thô, song số liệu năm 2018 của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, dự trữ dầu của nước này khoảng 37,8 triệu tấn, tương đương 281 triệu thùng. Các chuyên gia nghiên cứu năng lượng của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính, trữ lượng dầu thô của Trung Quốc có thể đủ đáp ứng nhu cầu trong khoảng 40-50 ngày. Theo kế hoạch, kho dầu của Trung tâm Dự trữ Dầu Chiến lược Quốc gia Trung Quốc sẽ có tổng dung tích 70 triệu m3, tạo ra nguồn cung dự phòng tương đương 100 ngày nhập khẩu.
Australia cũng là quốc gia có nguồn dự trữ dầu lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức đủ cung ứng nhu cầu sử dụng 20-30 ngày, theo Bộ Năng lượng Australia hồi đầu năm nay. Tuy vậy, nước này đang có kế hoạch tăng dự trữ lên 50-80 ngày theo yêu cầu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Còn Ấn Độ hiện có kho dự trữ xăng dầu chiến lược tương đương khoảng 31 triệu thùng dầu thô, sau khi 8 triệu thùng đã được bán cho các nhà máy lọc dầu nước ngoài hồi năm ngoái, theo Blommberg.
Với mức bình quân của các nước khoảng 20-30 ngày, thì mức dự trữ hiện tại của Việt Nam chỉ bằng 1/3-1/8 của họ. 5 năm qua, Việt Nam chưa phải xuất kho hàng dự trữ quốc gia cho tình huống đột xuất, khẩn cấp, song cơ quan quản lý cho rằng tới đây cần tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia để đáp ứng yêu cầu khi có tình huống đột xuất xảy ra trước những diễn biến phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới, khu vực.
Hiện hàng dự trữ xăng dầu quốc gia vẫn được tồn trữ tại 24 kho trên cả nước của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp, trả phí theo định mức. Do điều kiện và nguồn lực đầu tư Nhà nước hạn chế, chưa có kinh phí đầu tư kho riêng. Hàng này được luân phiên đảo theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước không trả phí.
Việc dự trữ xăng dầu mỏng dẫn tới tình huống trong nhiều giai đoạn thị trường biến động, nhu cầu tăng cao hoặc khi thế giới bất ổn về nguồn cung, còn trong nước gặp trục trặc..., điều hành xăng dầu gặp khó khăn.
Việc tính tăng dự trữ xăng dầu quốc gia từng được Bộ Công Thương cho biết hồi tháng 6. Theo đề án này, dự trữ quốc gia về xăng dầu sẽ được nâng lên một tháng, gấp khoảng 4 lần hiện nay, từ nay tới 2025.
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án này, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có vai trò đảm bảo an ninh năng lượng nhưng nguồn lực đầu tư, bảo đảm nguồn dự trữ... chưa tương xứng. Bộ Công Thương cho hay đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, dành nguồn lực đầu tư hệ thống kho bảo quản dự trữ quốc gia riêng với xăng dầu, song do nguồn lực hạn chế nên chưa thực hiện. Bộ này đề nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư ngân sách cho dự trữ xăng dầu quốc gia, để bảo đảm an ninh năng lượng và bình ổn thị trường.
Giá xăng dầu trong nước qua 20 đợt điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay với 7 đợt giảm, 13 lần tăng. Riêng từ cuối tháng 6, giá xăng đã có năm lần giảm liên tiếp với mức hạ 8.210 đồng với mỗi lít RON 95-III; 7.580 đồng với E5 RON 92 và 7.110 đồng mỗi lít dầu diesel. Với mức giá hiện nay, giá xăng đã trở lại ngưỡng ngang bằng hồi cuối năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay, tức trước thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine.