"Những ai mua Bitcoin rồi thì cũng sẽ tự tạo niềm tin cho chính mình và mọi người rằng đồng tiền đó tốt. Họ cũng sẽ làm mọi cách để đồng tiền ảo này ngày càng 'hot' và đẩy giá trị của chúng lên. Cá nhân tôi không có đồng tiền ảo nào nhưng tôi nghĩ nó không hề tạo ra giá trị thực như vàng, cũng không có định lượng so sánh và không phải được các tổ chức tài chính quốc tế công nhận như tiền tệ.
Thực tế, nhiều người ngay sau khi bạn mua một đồng Bitcoin với giá 65.000 đồng và ngồi chờ cùng hy vọng nó sẽ lên 100.000 đồng, 200.000 đồng để bán. Nhưng bất ngờ ngay tháng sau Bitcoin rớt xuống 10.000 đồng, 20.000 đồng, vậy bạn nghĩ sao về bản chất của đồng tiền ảo này? Tôi nghĩ Bitcoin cũng ảo như lan đột biến thôi, bạn càng kéo được nhiều người tham gia, đổ tiền vào thì giá của nó càng tăng lên và ngược lại".
Đó là quan điểm của độc giả Ly.tvbn về Bitcoin. Từ khi ra mắt năm 2008, Bitcoin vẫn luôn gây tranh cãi, vì biến động giá lớn, ít quy định giám sát và khó theo dõi giao dịch. 16 năm qua, tiền số này đã thu hút lượng người hâm mộ lớn, nhưng cũng nhận về không ít chỉ trích và ngờ vực. Tỷ phú Bill Gates luôn ngờ vực Bitcoin, tin rằng loại tiền này không mang lại giá trị cho xã hội; Warren Buffett lại gọi tiền số này là "thuốc chuột" và "công cụ đánh bạc"; trong khi Elon Musk từng chỉ trích Bitcoin chỉ là công cụ mang tới nhiều quyền lực hơn cho người giàu.
Cũng xem Bitcoin như một kênh đánh bạc, bạn đọc Phanvanthao nhận định: "Bản chất Bitcoin không hề có giá trị thực. Nó chỉ là một kênh đầu tư nhưng bản chất chẳng khác nào một kênh đánh bạc, bằng cách tạo ra các đòn bẩy mua vào thâu tóm để tạo nguồn cung thiếu hụt, từ đó đẩy giá đồng tiền lên và bán khống để giảm giá xuống, khi đó các 'cá voi' sẽ tóm gọn".
>> Từ 'mê lan' thành 'mê man' khi dính vào lan đột biến
"Thực tế, Bitcoin chỉ là công cụ đánh bạc mà thôi. Khi càng có nhiều người tham gia thì giá trị của nó còn và ngược lại. Đây không phải công cụ tiền tệ được công nhận hay bảo hộ. Thế nên, chuyện Bitcoin còn tồn tại như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào nhóm người đang tham gia còn thấy lợi ích hay không? Một khi 'cá mập' rút hết, thì 'cá con' chắc chắn sẽ lĩnh đủ", độc giả T Lam nói thêm.
Đồng quan điểm, bạn đọc Madmanlul cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới: "Tiền giấy là giấy về mặt vật lý nhưng nó có giá trị về mặt kinh tế, bởi nó có sự bảo trợ từ một quốc gia và giá trị của nó mạnh hay yếu tùy thuộc vào sức mạnh kinh tế của quốc gia đó. Trong khi đó, vàng muôn đời quý vì tính chất vật lý của nó và ngày nay được ứng dụng trong tất cả các ngành khoa học, từ linh kiện điện tử đến tàu vũ trụ, vệ tinh, vũ khí...
Còn Bitcoin gắn liền với quốc gia nào? Ai bảo trợ cho đồng tiền số này? Dựa trên niềm tin của người đầu tư sao? Cây viết Chris Blec từng có một câu nói nổi tiếng: "Bất kỳ hệ thống vận hành nào dựa trên niềm tin đều không ổn định và có thể tạo ra bong bóng". Đa cấp lừa đảo cũng dựa trên niềm tin mãnh liệt của các nạn nhân. Về cơ bản, khi bạn bán số Bitcoin mình sở hữu thì ai mua? 100 tỷ đồng cũng chỉ là giá trị hiện lên trong đầu bạn mà thôi, còn giá trị thực của nó bằng 0".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.