Đại học Chấn đán Thượng Hải hôm 16/12 thông báo đã sa thải giảng viên Tống Canh Nhất sau khi cô bày tỏ hoài nghi thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc về 300.000 người chết trong cuộc thảm sát Nam Kinh - vụ cưỡng hiếp, sát hại và tàn phá trong 6 tuần của quân đội Nhật vào ngày 13/12/1937 trong Chiến tranh Trung - Nhật lần hai. Trung Quốc tuần này đã tổ chức các sự kiện trên khắp đất nước để tưởng nhớ 84 năm vụ thảm sát.
Trong bài giảng được một sinh viên quay video và tung trên mạng, Tống gọi con số 300.000 nạn nhân là "ước tính sơ bộ chứ không phải số liệu thống kê" và cho rằng số người chết dao động từ "hàng nghìn" đến 500.000.
Tống nói rằng con số này lẽ ra dễ tính toán, nhưng cả Trung Hoa Dân Quốc, chính phủ cầm quyền khi đó, cũng như đảng Cộng sản Trung Quốc đều không điều tra kỹ lưỡng.
"Quân đội Nhật Bản đã làm những điều vô nhân đạo ở Nam Kinh, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu lý do họ có thể làm những điều khủng khiếp như vậy", Tống nói. "Chúng ta không nên luôn chìm đắm trong hận thù. Thay vào đó, chúng ta nên nhớ lại trang sử này và nghĩ xem cuộc chiến nổ ra như thế nào".
Trong thông báo, Đại học Aurora Thượng Hải cho biết Tống "đã có những nhận xét sai lầm" và "dẫn đến sự cố nghiêm trọng trong giảng dạy, gây ảnh hưởng xã hội tiêu cực".
Cùng ngày, Cao Vi Gia, giảng viên Đại học Thanh Đảo, bị thu hồi giấy phép giảng dạy sau khi đăng ý kiến trên Weibo tuần trước rằng thanh niên nên "thoải mái đến thăm đền chiến tranh Yasukuni" ở Nhật Bản.
Cao cho rằng các thế hệ khác nhau ở Trung Quốc đã nhìn lịch sử Trung - Nhật qua các lăng kính khác nhau. "Thế hệ chúng ta nên tự do đến thăm ngôi đền", Cao viết.
Đền Yasukuni tưởng niệm 2,5 triệu người chết vì chiến tranh, chủ yếu là người Nhật đã chết trong các cuộc chiến của đất nước từ cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, ngôi đền này gây tranh cãi vì cũng tưởng niệm những tướng lĩnh, chính trị gia cấp cao bị tòa án quốc tế kết án tội ác chiến tranh.
Trung Quốc và Hàn Quốc xem đền Yasukuni như lời nhắc nhở về lịch sử chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Hai nước nhiều lần phản đối các lãnh đạo và quan chức Nhật tới thăm hoặc dâng lễ ở đền này.
Nhiều người phẫn nộ về Cao vì cho rằng cô cố "minh oan cho tội ác chiến tranh của Nhật Bản ở Trung Quốc". "Theo logic của cô ấy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thiếu tự tôn quốc gia mỗi khi lên án những chuyến thăm ngôi đền à?", một người viết trên Weibo.
Huyền Lê (Theo SCMP)