Hoa Xuân Oánh, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc kiêm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này, tuần trước triệu đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Hideo Tarumi để họp khẩn sau khi cựu thủ tướng Shinzo Abe hôm 1/12 nói rằng liên minh Nhật Bản và Mỹ "không thể khoanh tay đứng nhìn nếu Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan".
Abe còn cho rằng tình trạng khẩn cấp của đảo Đài Loan cũng là tình trạng khẩn cấp đối với Nhật Bản. Cựu thủ tướng Nhật cảnh báo "người dân ở Bắc Kinh, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, không nên đánh giá sai điều đó".
Bà Hoa nói bình luận của Abe "công khai thách thức chủ quyền của Trung Quốc và ủng hộ trơ trẽn các lực lượng độc lập Đài Loan", theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề nói với SCMP rằng hai bên đã có những trao đổi căng thẳng trong cuộc họp khẩn và bà Hoa đe dọa Trung Quốc có thể "xem xét lại" quan hệ với Nhật Bản nếu Nhật có thêm hành động đối với Đài Loan.
"Bà Hoa yêu cầu Nhật Bản làm rõ quan điểm chính thức về Đài Loan. Nhưng phía Nhật Bản cho rằng ông Abe không còn là thành viên nội các và bình luận của ông được đưa ra với tư cách cá nhân", nguồn tin giấu tên cho hay.
"Bà Hoa nói với đại sứ Tarumi rằng nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường này, Trung Quốc sẽ phải xem xét lại cách tiếp cận quan hệ song phương cũng như cách đối xử với Nhật Bản", nguồn tin cho biết thêm.
Sau cuộc họp giữa Hoa Xuân Oánh và đại sứ Tarumi, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói rằng chính phủ Nhật không giải thích những bình luận của Abe, vì ông đã rời chính quyền. Matsuno cũng bày tỏ Tokyo không hài lòng về cách Bắc Kinh xử lý tình hình và rằng "Trung Quốc cần phải hiểu có những suy nghĩ như vậy ở Nhật Bản".
Nguồn tin cũng nói Nhật Bản rất thất vọng khi nội dung cuộc gặp giữa đại sứ Tarumi với Hoa Xuân Oánh được công khai, dù phía Tokyo đã yêu cầu Bắc Kinh không làm vậy. Nhật Bản thông báo đang xem xét hủy bỏ một số cuộc đối thoại cấp làm việc với Trung Quốc.
Nhật Bản đang nỗ lực ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và tích cực lên tiếng về các vấn đề như đảo Đài Loan, Hong Kong. Nhật cũng nhiều lần phản đối Trung Quốc về những gì họ coi là xâm phạm lãnh hải, đặc biệt sau khi Bắc Kinh ban hành luật giao thông hàng hải mới, yêu cầu tàu thuyền nước ngoài khai báo khi đi qua vùng biển mà Trung Quốc coi là "lãnh hải".
Hai nước từ lâu có tranh chấp xoay quanh nhóm đảo nhỏ không người ở trên biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhiều người hy vọng quan hệ song phương ít nhất có thể ấm lên một chút sau khi Fumio Kishida, từ lâu được biết đến là chính trị gia ôn hòa, trở thành Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 10.
"Đã có những dấu hiệu cải thiện khả năng liên lạc ở cấp độ làm việc sau khi Kishida nhậm chức, đặc biệt trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", một nguồn tin am hiểu quan hệ Nhật - Trung cho hay.
Động thái bổ nhiệm tân Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi tháng trước cũng được coi là dấu hiệu tích cực cho quan hệ song phương bởi Hayashi tương đối thân thiện với Bắc Kinh. Ông từng đứng đầu nhóm nghị sĩ thúc đẩy trao đổi giữa hai nước.
Hayashi cho biết trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông đã được mời đến thăm Trung Quốc. Quan chức hai nước đã không tiến hành các chuyến thăm sau lần ông Vương đến thăm Nhật cách đây một năm.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với các mối quan hệ song phương cho biết Trung Quốc chưa đưa ra lời mời chính thức với ông Hayashi và hoạt động đối ngoại cấp quan chức giữa hai nước có thể bị ảnh hưởng sau phát biểu của Abe.
Wang Xinsheng, giáo sư nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Bắc Kinh, nhận định nhiều khả năng ông Abe đang thúc đẩy Thủ tướng Kishida tiếp tục các định hướng chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
"Ngày càng nhiều người hoài nghi về Trung Quốc ở Nhật. Vì vậy, phát biểu của Abe có khả năng mang nhiều trọng lượng hơn những gì chính phủ Nhật mô tả", Wang nói. "Quan hệ Trung - Nhật có thể sẽ xấu đi trong 5 năm tới".
Huyền Lê (Theo SCMP)