Nhiều biệt thự đầu cơ mất giá chục tỷ đồng do giảm giá khoảng 40% để thoát hàng trước áp lực lãi vay.
Bây giờ mua căn nhà có giá trên dưới 17 tỷ đồng mà không có giải pháp kinh doanh trên ngôi nhà này, chí ít bù được phần lãi đòn bẩy là quá mắc, còn nếu bù được và trả được cả giá vốn thì 17 tỷ đồng là xứng đáng. Với những căn nhà kiểu thế tiềm năng tăng giá nhà là rất lớn.
Vì sao một căn nhà ở phố cổ Hà Nội có giá 100 tỷ đồng mà vẫn có người mua? Bởi vì giá trị được tính ở lợi nhuận căn nhà sinh sôi không chỉ ở giá bán của nó. Thế nên tôi rất khó hiểu vì sao nhiều người mua biệt thự vùng ven như thế.
Nếu là người có tiền, có nhu cầu sử dụng biệt thự thật sự bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi là có chịu mua ở đây để sống không? Còn muốn nghĩ nó tăng giá trong dài hạn thì phải xác định được bạn có kinh doanh được ở vị trí đó hay không?
Dòng tiền rút ra được hàng năm từ loại hình BĐS này là bao nhiêu và có thể hoàn vốn trong bao nhiêu năm giả dụ có thể kinh doanh được như dự tính. Nếu điều này không sáng cửa thì đừng xuất tiền làm gì.
Không phải cứ làm xong con đường, nghe bánh vẽ mà không khảo sát tính thực tế rồi cứ thế xuống tiền để mua. Nhà đầu tư BĐS muốn có món hời, sẽ chẳng ai đi tin lời của dăm ông "cò" mồi môi giới, họ có khi qua lại địa điểm muốn đầu tư vài lần một năm, trong vài năm để khảo sát tính khả thi rồi mới mua.
Bét nhất một món BĐS cũng có giá vài tỷ đồng, và để găm được miếng ngon bạn phải nắm giữ với thời gian tính bằng năm, vậy nên không cẩn thận thì bạn chỉ là miếng thịt mỡ của thị trường.
Giá trị trong BĐS không nên tính bằng cung cầu mà phải tính bằng việc dòng tiền rút ra khỏi đó như thế nào. BĐS là một tài sản lớn nắm giữ lâu và thanh khoản kém. Nhìn chung BĐS rồi cũng sẽ tăng theo thời gian tuy nhiên mọi người thường "chết" vì không chờ được tới lúc đó.
Mua đắt, nợ cao mà thời gian nắm giữ thì dài, cho nên để an toàn phải cân bằng đòn bẩy với tình hình kinh doanh của mảnh đất. Đất nếu kinh doanh được thì dù mắc một tí vẫn đáng tiền hơn một mảnh chả có khả năng sinh lời nhỏ giọt qua từng tháng từng năm.
Nắm giữ những bất động sản như thế, xác định rằng bạn phải chờ tới khi sóng đất hồi sinh thì mới có lời, mà điều này không phải ai cũng làm được trong khi lãi vay sờ sờ trước mặt.
Kiên Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.