Chia sẻ tại tọa đàm "Ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối" ngày 29/7, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 1.371 trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt tổng cộng 1,1 tỷ đồng. Số lượng này giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn đặt ra nhiều lo ngại về bữa ăn người tiêu dùng. Đặc biệt gần đây cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sản xuất thịt lợn tẩm hóa chất thành thịt bò, chế biến phổi lợn thành khô bò đen, biến thịt lợn thành thịt thú rừng như nhím, đà điểu...
Theo ông Thảo, việc đăng ký kinh doanh thực phẩm là hết sức dễ dàng. Tuy nhiên sau đó khi đi vào hoạt động thì vấn đề hậu kiểm, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh lại còn nhiều thách thức. "Muốn giải quyết tốt, nếu chỉ gọi kêu gọi trách nhiệm, lương tâm của nhà sản xuất không thì chưa đủ. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng", ông Thảo nhấn mạnh. Do địa bàn TP HCM rộng lớn, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm phân tán rải rác, hình thức sai phạm ngày càng tinh vi nên việc phát hiện không phải dễ dàng. Phần lớn sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn là từ các tỉnh thành khác chuyển về hoặc nhập khẩu, gây khó khăn trong việc phát hiện xử lý và truy nguyên nguồn gốc.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng An toàn thực phẩm TP HCM chia sẻ, việc phát hiện xử phạt mạnh tay, công khai thông tin đã giúp ngăn chặn thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều hoang mang lo ngại là thành phố nhìn đâu cũng chỉ thấy thực phẩm bẩn.
Theo ông Hòa, một sản phẩm sẽ có nhiều cơ sở sản xuất, do đó người tiêu dùng phải tỉnh táo phân biệt. Không chỉ vì cơ quan chức năng công khai một sản phẩm sai phạm mà lại tẩy chay nguyên một dòng sản phẩm đó. Phải cương quyết lên án tẩy chay thực phẩm bẩn, gian dối nhưng không đánh đồng tất cả doanh nghiệp cùng sản phẩm. Doanh nghiệp nào làm sai thì nơi đó phải chịu. Người tiêu dùng nên cẩn trọng nhận biết thông qua nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của sản phẩm, điều kiện kinh doanh của nơi bày bán phải đáp ứng các điều kiện bảo quản. Không nên mua hàng không rõ nguồn gốc dù giá rẻ.
"Quyền lực của người tiêu dùng là rất lớn. Khi doanh nghiệp sai phạm, người tiêu dùng tẩy chay là doanh nghiệp chỉ có thể phá sản", ông Hòa nói. Chính người tiêu dùng còn là lực lượng phát hiện quan trọng, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc làm rõ các hành vi sai phạm.
TP HCM đang tăng cường thí điểm các hoạt động kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ, giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn. Ông Phan Xuân Thảo kêu gọi sự vào cuộc giúp sức của cộng đồng, người dân. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sự gian dối người tiêu dùng, cần báo ngay với cơ quan chức năng hoặc Chi cục Thú y TP HCM qua số điện thoại đường dây nóng 08.39.551.361 hoặc 08.38.536.132.
Sau 10 năm số ca mắc ung thư được báo cáo tại Việt Nam tăng gần gấp đôi. Năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên hơn 126.000. Dự kiến đến năm 2020 số người mắc bệnh sẽ tăng vọt lên 200.000 ca. Theo các chuyên gia, số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, do tuổi thọ tăng. Bản thân thực phẩm không có hại nhưng các hóa chất trong thực phẩm là nguy hại nhất. Qua ăn uống, rất nhiều chất độc hại vào cơ thể mà mọi người không hay. |
Lê Phương