Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sáng 27/4, Bí thư Thăng cho rằng đến nay không xác định được trách nhiệm cũng như chưa ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.
Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý an toàn thực phẩm trên nguyên tắc không tăng biên chế. Ông Thăng cũng kiến nghị cho phép TP HCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về an toàn thực phẩm, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Bí thư Thăng cũng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí lực lượng thực thi giám sát quản lý vấn đề an toàn thực phẩm. “Nên giao cho lực lượng cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”, ông Thăng đề nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sử dụng chất cấm salbutamol và vàng O trong chăn nuôi tràn lan, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gia tăng. Nhiều vụ việc gây hoang mang dư luận như rửa rau dưới dòng nước thải tại Hưng Yên, Nam Định; nhuộm ruốc bằng hóa chất ở Phú Yên; cơm trắng tự chuyển dần sang màu đỏ tại TP HCM, dùng vàng O nhuộm măng ở Đà Nẵng, Nghệ An...
Kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản từ tháng 10/2015 đến hết tháng 2/2016 cho thấy: Phân tích 7.593 mẫu rau phát hiện 393 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. Trong 5.450 mẫu thịt kiểm tra thì phát hiện 104 mẫu vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh. 834 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu salmonella (vi sinh vật gây bệnh. Trong gần 5.000 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản thì có 361 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, việc lấy mẫu giám sát và số mẫu thực tế ở các địa phương còn hạn chế. Hiện việc lấy mẫu giám sát chỉ tập trung vào một số sản phẩm chính và chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, hóa chất, kháng sinh bị lạm dụng trong khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản); chưa chỉ định phân tích đầy đủ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như vi sinh vật gây bệnh, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến… Trong khi đó tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản nhuộm màu trong sơ chế, chế biến, sau thu hoạch nông sản ngày càng phức tạp và khó lường.
Rau, quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn, mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy khi phát hiện mẫu vi phạm cơ quan chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm. Đây cũng là bất cập khiến người tiêu dùng chưa thể nhận biết được đâu là sản phẩm an toàn, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nơi đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề vệ sinh thực phẩm chính. Đó là xử lý dứt điểm chất tạo nạc, quản lý chặt chất cấm như thực phẩm tươi sống, hóa chất tồn dư. Nhóm thứ hai liên quan đến rượu bia và nước giải khát giả. Nhóm 3 là thực phẩm chức năng, từ quảng cáo, sản xuất đến kinh doanh các công ty đa cấp... vì siêu lợi nhuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý mạnh hơn nữa trách nhiệm cá nhân liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện có sai phạm, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm cá nhân từ khâu sản xuất, buôn bán, tiêu thụ... Phát hiện địa phương nào có vi phạm thì người đứng đầu địa phương đó bao gồm chủ tịch, bí thư, thanh tra... phải chịu trách nhiệm. 100% tiền xử phạt vi phạm sẽ để lại cho địa phương đó khắc phục hậu quả ngay, phục vụ công tác xử lý. "Nông dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng sẽ phạt ở mức cao nhất để răn đe", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Nga