Hơn một năm trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhà Trắng với quyết tâm thiết lập lại quan hệ với các đồng minh của Mỹ, sau khi người tiền nhiệm Donald Trump làm mất lòng cả những đồng minh thân cận nhất như Đức và Pháp.
Tuy nhiên, một số đồng minh, trong đó có Anh, bày tỏ thất vọng khi Biden đơn phương quyết định rút binh sĩ khỏi Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái, dẫn đến cuộc rút quân hỗn loạn khiến ông chủ Nhà Trắng hứng hàng loạt chỉ trích.
Rạn nứt tiếp tục xuất hiện sau khi Australia hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Pháp để theo đuổi thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh, khiến Paris vô cùng tức giận và cho rằng họ bị "đâm sau lưng". Pháp thậm chí triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia về nước, đánh dấu lần đầu tiên Paris phản ứng gay gắt đến vậy trong lịch sử quan hệ đồng minh lâu đời với Washington. Các đồng minh của Mỹ đã phải mất nhiều tháng để hàn gắn quan hệ sau sự cố này.
Tuy nhiên, giới chức châu Âu đánh giá trong quá trình xử lý khủng hoảng Ukraine, cách tiếp cận của Biden đã thay đổi đáng kể. Căng thẳng bùng phát từ cuối năm ngoái, khi phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây với ý định tiến đánh Ukraine. Moskva bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Một số quan chức châu Âu cho biết khác với giai đoạn trước khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan, chính quyền Biden lần này có xu hướng chia sẻ với các đồng minh những thông tin tình báo về Ukraine. Họ cũng đánh giá cao nỗ lực của Nhà Trắng trong duy trì liên lạc với Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên trong khối.
Cuối tuần trước, khi chính quyền Biden chuẩn bị ra cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine trong vòng vài ngày, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh với các thành viên trong đội ngũ của mình về yêu cầu chia sẻ thông tin đó với các đồng minh, theo hai quan chức Nhà Trắng giấu tên am hiểu vấn đề.
Biden gần đây cũng điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người vừa tới Moskva gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/2. Cuối tuần trước, ông điện đàm với Putin và cảnh báo "cái giá phải trả nhanh chóng và nghiêm trọng đối với Nga" nếu tấn công Ukraine.
Biden còn quyết định giải mật thông tin về khả năng Nga "ngụy tạo" bằng chứng để hợp thức hóa cuộc tấn công Ukraine, cũng như các động thái của quân đội Nga và những chiến thuật quân sự có thể được sử dụng. Giới chức Nhà Trắng cho rằng đây là yếu tố quan trọng trong nỗ lực ngăn chiến tranh, duy trì sức ép với Moskva.
Trên thực địa, Biden hôm 2/2 chỉ đạo Lầu Năm Góc triển khai khoảng 3.000 lính để tăng cường an ninh ở Đông Âu. Hơn một tuần sau, Mỹ quyết định điều thêm 3.000 binh sĩ tới Ba Lan để trấn an các đồng minh thuộc NATO. Chính quyền Biden cũng tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraine với các lô vũ khí, đạn dược liên tục được chuyển đến Kiev.
Giữa những nỗ lực xử lý khủng hoảng của Biden, Anh tích cực hành động để chứng minh vai trò đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Âu. Hôm 16/2, chính phủ Anh thông báo tăng gấp đôi số lượng binh sĩ ở Estonia và chuyển thêm thiết bị quân sự, trong đó có xe tăng và xe chiến đấu bọc thép. Anh cũng là cường quốc châu Âu đầu tiên góp sức với Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Biden tuyên bố sẽ "gây áp lực nặng nề lên các ngành công nghiệp chủ chốt và những tổ chức tài chính quan trọng nhất đối với Nga" thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu Putin ra lệnh tấn công Ukraine.
"Ông ấy đã đúng khi nhấn mạnh rằng thế giới sẽ không nhún nhường hoặc ngồi yên nếu Putin tìm cách tiến đánh nước láng giềng", lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell bày tỏ đồng tình với cách xử lý của Tổng thống.
Một vấn đề được chú ý trong khủng hoảng Ukraine là dự án Nord Stream 2, đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức mới được xây dựng và chưa đi vào hoạt động. Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức hồi đầu tháng, Biden tuyên bố dứt khoát rằng Nord Stream 2 sẽ bị đình chỉ nếu Nga tấn công Ukraine. Mặc dù đáp lại khá mơ hồ, Scholz không phủ nhận phát ngôn của Biden. McConnell sau đó tiết lộ Scholz đã xác nhận tuyên bố của Biden tại bữa tối với một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ.
Hôm 17/2, Biden tiếp tục cảnh báo nguy cơ Nga tấn công Ukraine "vẫn rất cao", mặc dù Moskva những ngày qua đã thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Biden cũng bày tỏ hy vọng về khả năng giải quyết khủng hoảng bằng ngoại giao. "Vẫn có con đường để vượt qua tình huống này", ông nói.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Ánh Ngọc (Theo WSJ)