Đề xuất này được đưa ra trong thư mời Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi tới các lãnh đạo thế giới dự hội nghị thượng đỉnh về vaccine Covid-19 dự kiến được tổ chức tuần tới.
Mỹ cũng sẽ kêu gọi các nước tài trợ và phân phối một tỷ bộ dụng cụ xét nghiệm vào năm 2022, đồng thời đẩy nhanh cam kết cung cấp hai tỷ liều vaccine được công bố trước đó, thư mời được công bố ngày 14/9 cho biết. Trong thư, các số liệu về vaccine, kit xét nghiệm này được gọi là "mục tiêu dự kiến".
Hội nghị thượng đỉnh về vaccine Covid-19 được Biden tổ chức nhân dịp các lãnh đạo thế giới dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Tổng thống Mỹ cũng sẽ dự phiên họp này vào ngày 21/9.
Lời kêu gọi quyên góp vaccine Covid-19 được đưa ra trong lúc Biden tìm cách dập tắt chỉ trích quốc tế về kế hoạch tiêm mũi tăng cường của Mỹ trong tháng này, theo đó, người Mỹ sẽ được tiêm mũi thứ ba trong khi nhiều người khác trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm mũi tăng cường tới năm 2022. Kế hoạch tiêm mũi tăng cường của Biden sẽ bắt đầu ngày 20/9 nếu được các cơ quan quản lý của Mỹ bật đèn xanh.
Biden trước đó thúc đẩy cam kết tài trợ một tỷ liều vaccine tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6, trong đó Mỹ sẽ cung cấp một nửa. Tuy nhiên, các thành viên G7 chỉ đồng ý với cam kết tài trợ tổng cộng 613 triệu liều vaccine.
Tổng thống Mỹ cũng thúc giục Ấn Độ nhanh chóng nối lại xuất khẩu vaccine, song quốc gia Nam Á cho biết họ chưa lên kế hoạch chuyển vaccine cho nước ngoài trước năm 2022. Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn, song dừng xuất khẩu mặt hàng này vào đầu năm khi phải đối mặt đợt bùng phát nghiêm trọng với số ca nhiễm tăng vọt.
Một số quốc gia đang hối thúc Mỹ nới lỏng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới vaccine Covid-19 hoặc tạo điều kiện cho các thỏa thuận chuyển giao công nghệ để mở rộng sản xuất vaccine.
Khoảng 42,3% dân số thế giới (khoảng 3,2 tỷ người) đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, theo Our World in Data. 5,76 tỷ liều đã được tiêm trên toàn cầu và 33 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, mới chỉ 1,9% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều.
Nếu Biden kêu gọi được các lãnh đạo thế giới quyên góp thêm một tỷ liều vaccine, cộng thêm gần hai tỷ liều cam kết trước đó, mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới nhiều khả năng sẽ đạt được.
Tuy nhiên, Lori Wallach, Giám đốc chương trình theo dõi thương mại toàn cầu của Public Citizen, cho biết nỗ lực quyên góp vaccine mới nhất của Biden là chưa đủ.
"Các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh do Biden tổ chức không đòi hỏi gì nhiều từ các tập đoàn dược phẩm, thay vào đó là tăng khoản chi để họ tiếp tục những gì đang làm là độc quyền và hạn chế nguồn cung", Wallach nói.
Nguyễn Tiến (Theo Bloomberg)