"Quyết định rút quân khỏi Đức sẽ bị đình chỉ đến khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tiến hành đánh giá sự hiện diện của binh sĩ Mỹ khắp thế giới. Ông ấy sẽ bảo đảm việc triển khai lực lượng phù hợp với chính sách đối ngoại và ưu tiên an ninh quốc gia của chúng tôi", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Bộ Ngoại giao hôm 4/2.
Với quyết định này của Biden, mọi động thái rút lực lượng quân sự của Mỹ khỏi Đức sẽ bị chặn cho đến khi có sắc lệnh mới. Đây là động thái mới nhất của Biden nhằm đảo ngược loạt chính sách của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin hôm qua cũng cho biết Lầu Năm Góc đang tiến hành đánh giá nhằm quyết định lực lượng nào sẽ ở lại Đức và đơn vị nào có thể được tái triển khai đến địa điểm khác. Quân số lính Mỹ ở Đức chưa thay đổi kể từ khi Trump ra lệnh cho Lầu Năm Góc giảm bớt hiện diện quân sự tại nước này hồi năm ngoái.
Kế hoạch điều chuyển 12.000 binh sĩ khỏi Đức của Trump bao gồm chuyển trụ sở Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) về Bỉ, rút Trung đoàn bộ binh cơ giới số 2 từ Đức về Mỹ cùng nhiều động thái khác. Kế hoạch này được đánh giá là đợt điều chuyển binh sĩ lớn nhất của Mỹ tại châu Âu trong nhiều thập kỷ nếu được thực hiện.
Trump nhiều lần nói Đức không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp tài chính cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng Mỹ đang triển khai quá nhiều binh sĩ ở Đức, trong khi quốc gia châu Âu này lại không đầu tư đầy đủ cho quân đội của mình.
Khoảng 34.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân tại Đức, trong đó nhiều đơn vị tham gia các nhiệm vụ ở những khu vực lân cận, bao gồm tăng cường an ninh dọc sườn phía đông NATO hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ sang Trung Đông và châu Phi.
Nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích kế hoạch rút quân và lo ngại chiến lược đối phó với Nga bị ảnh hưởng. Khả năng Mỹ rút hàng nghìn lính từ các thành phố và thị trấn Đức cũng khiến giới chức tại đây bị sốc.
Vũ Anh (Theo AP)