"Bộ Ngoại giao Mỹ đang tạm dừng hoạt động chuyển giao và bán vũ khí để lãnh đạo sắp tới rà soát lại", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 27/1.
Việc đình chỉ các thương vụ vũ khí quy mô lớn "là hoạt động hành chính thông thường" trong quá trình chuyển giao quyền lực nhằm thể hiện cam kết với "minh bạch và quản trị tốt", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo.
Các quan chức Mỹ cho biết các thỏa thuận chuyển nhượng vũ khí bị dừng có hợp đồng bán 50 tiêm kích tàng hình F-35, 18 máy bay không người lái (UAV) và các loại vũ khí khác cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trị giá 23,4 tỷ USD.
Những thương vụ vũ khí mới trị giá hàng tỷ USD này được ký trong những ngày cuối của chính quyền cựu tổng thống Donald Trump. Thông báo về các hợp đồng được đưa ra không lâu sau khi Trump để thua Joe Biden trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020 và Israel ký hiệp định Abraham với Bahrain và UAE về bình thường hóa quan hệ.
Thỏa thuận vũ khí với UAE và một số thương vụ lớn với các quốc gia Arab ở Vùng Vịnh bị các nghị sĩ phản đối, song Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo bỏ qua quốc hội bằng cách tuyên bố bán vũ khí trong trường hợp khẩn cấp. Các nghị sĩ Mỹ lo ngại số vũ khí này có thể được sử dụng trong cuộc chiến tại Yemen, quốc gia chịu khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Thượng viện Mỹ tìm cách ngăn thỏa thuận bán 50 tiêm kích F-35 cho UAE song không thành công. Các thượng nghị sĩ cho rằng việc duyệt bán số thiết bị quốc phòng này quá nhanh và đặt ra nhiều nghi vấn.
Chính quyền cựu tổng thống Trump cho rằng thương vụ bán F-35 cho UAE là biện pháp răn đe Iran. Nếu được thông qua, UAE sẽ là quốc gia Arab đầu tiên và quốc gia Trung Đông thứ hai sở hữu F-35, sau Israel.
Nguyễn Tiến (Theo Military)