Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì lực lượng Ellen Lord đã hủy "Cột mốc C", thời điểm ra quyết định tăng tốc hết công suất với dây chuyền sản xuất hàng loạt tiêm kích F-35 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2021.
Quyết định cho phép sản xuất hết công suất được coi là "con dấu chứng nhận" của Lầu Năm Góc rằng tiêm kích F-35 đã được thử nghiệm đầy đủ, có hiệu quả với những mối đe dọa nguy hiểm nhất, có thể đáp ứng mục tiêu bảo dưỡng và dây chuyền chế tạo vận hành hiệu quả.
Jessica Maxwell, phát ngôn viên của Thứ trưởng Lord, cho biết "các thách thức kỹ thuật và ảnh hưởng từ Covid-19" đã làm đình trệ việc chuẩn bị cơ sở mô phỏng để thử nghiệm F-35, hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ. "Thời hạn mới sẽ được đưa ra dựa trên những đánh giá kỹ thuật độc lập. Chương trình F-35 sẽ duy trì sản xuất công suất thấp", bà cho biết hôm 1/1.
Thử nghiệm mô phỏng chiến đấu đáng lẽ phải diễn ra từ tháng 12/2020, sau khi bị trì hoãn từ năm 2017. Sẽ cần 2-3 tháng để phân tích dữ liệu và soạn báo cáo hoàn chỉnh để gửi đến quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc.
Điều này có nghĩa là chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ mất nhiều tháng trước khi có đủ thông tin để ra quyết định về sản xuất hàng loạt tiêm kích F-35, giai đoạn có trị giá 398 tỷ USD và mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin.
Mỹ đã xuất xưởng và bàn giao tổng cộng 600 tiêm kích F-35 trong số 3.200 chiếc dự kiến được chế tạo, chúng đã . Dù nhiều phi đội F-35 đã được biên chế tại 9 quốc gia, dự án siêu tiêm kích trị giá 1.500 tỷ USD vẫn chưa hoàn tất quá trình phát triển, khi nhiều máy bay xuất xưởng gặp các vấn đề kỹ thuật.
Vũ Anh (Theo Bloomberg)