Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói từ cuối tháng 4/2021, Hà Nội có nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình đó, thành phố đã nghiên cứu kỹ các chỉ đạo của Trung ương và luôn đặt Hà Nội trong trạng thái phòng ngừa dịch bệnh cao, với tinh thần quyết tâm bảo vệ thủ đô, bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhiều phương án đã được Hà Nội chuẩn bị. Đơn cử, các khu cách ly tập trung nâng công suất từ 20.000 chỗ lên 180.000 chỗ; khu điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng được thiết lập với 20.000 giường.
Trong đợt dịch thứ tư với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, Hà Nội kiên định chủ trương không để các F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà, bởi hệ thống y tế của thủ đô vẫn đáp ứng được.
"Cần chủ động, không để xảy ra khủng hoảng y tế", ông Dũng nói và dẫn chứng, khi xảy ra ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, thành phố đã đưa gần 2.000 người tại khu vực này đi cách ly tập trung. "Nếu khi đó để người dân ở nhà, với điều kiện sinh hoạt chung, thì chỉ một vài ngày là không kiểm soát được", ông nhận định.
Về việc phân ba vùng dịch và nhiều lần thay đổi việc cấp giấy đi đường, ông Dũng giải thích "đã bàn rất kỹ trong Thường trực, Thường vụ Thành ủy". Tuy nhiên, khi giao các đơn vị một tuần để chuẩn bị "vẫn không làm kịp". Vì vậy chủ trương này sau đó phải thay đổi.
Đề cập đến vấn đề xét nghiệm toàn dân ở Hà Nội, ông Dũng cho rằng thành phố triển khai việc này nhằm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như chỉ định dịch tễ. Vùng nguy cơ cao xét nghiệm 2-3 ngày một lần mỗi người; vùng nguy cơ 5-7 ngày một lần; nơi khác xét nghiệm mẫu gộp. Trong chiến dịch này, Hà Nội đã thực hiện 4,2 triệu mẫu xét nghiệm. Công suất ngày cao điểm lên đến 700.000 mẫu; còn công suất tiêm vaccine có ngày đạt 600.000 mũi.
Về cách ly, phong tỏa, Hà Nội thực hiện chủ trương khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, xét nghiệm rộng.
Với những cách làm trên, "trước mắt Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh". Dù một số tỉnh lân cận có dịch bùng phát trong khu công nghiệp, nhưng Hà Nội đã bảo vệ được các khu công nghiệp an toàn, duy trì sản xuất.
Theo ông Dũng, thời gian tới khi Hà Nội mở cửa trở lại các trường đại học thì lượng sinh viên ngoại tỉnh, người lao động về thành phố cao. Đây là nguy cơ bùng phát dịch lớn, vì thế thành phố tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, giải pháp tốt nhất phải "từ cơ sở, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân". Thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine mũi 2 cho người dân.
Hà Nội đã trải qua bốn đợt giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 24/7 đến 6h ngày 21/9.
Trong bốn đợt giãn cách Hà Nội đã nhiều lần thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.
Ngày 29/7, chính quyền lần đầu ban hành mẫu giấy đi đường, sử dụng thống nhất toàn thành phố. Tối 8/8, thành phố thông báo điều chỉnh, yêu cầu một số trường hợp cần có xác nhận của phường và cơ quan, thêm lịch trực, lịch làm việc. Tuy nhiên sau một ngày, quy định này bị hủy bỏ. Ngày 3/9, Công an Hà Nội thông báo sẽ chủ trì cấp giấy đi đường có mã QR, thực hiện từ 6/9; thủ tục đáp ứng cần nhiều loại giấy tờ. Tối 7/9, Hà Nội bất ngờ cho phép người dân được dùng cả giấy mẫu mới lẫn cũ. Từ 21/9, Hà Nội cho phép người dân di chuyển trên địa bàn không cần giấy đi đường.
Sau khi áp dụng Chỉ thị 15 từ 21/9, hôm qua (21/10), Hà Nội chuyển sang triển khai các biện pháp tạm thời "thích ứng an toàn" với Covid-19. Các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào thành phố dừng hoạt động sau hơn ba tháng triển khai.