Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói phòng, chống dịch là vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay.
Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về chủng Delta, song bước đầu có thể thấy nồng độ virus rất cao, lây lan nhanh hơn, chu kỳ ngắn hơn; nếu chủng cũ chu kỳ lây lan từ 3 đến 4 ngày thì chủng mới chỉ 4-8 tiếng. Cùng với đó, gần như các ca nhiễm không có biểu hiện nên khó phát hiện sớm để cách ly, điều trị.
"Chủng Delta không chỉ khiến chúng ta mà các nước cũng bất ngờ. Vì vậy sự lúng túng là dễ hiểu và phải thừa nhận vấn đề này", Thủ tướng nói và cho rằng việc chống dịch chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh nên cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Tổng kết kinh nghiệm chống dịch giai đoạn vừa qua, Thủ tướng nêu rõ việc giãn cách cách ly phải nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất có thể; đồng thời, xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh và phải khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, việc điều trị tích cực, từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở sẽ giúp người bệnh được tiếp cận nhanh với y tế, không chuyển nặng và giảm tử vong. Công thức phòng, chống dịch ban đầu là 5K, sau đó thêm vaccine. Ngoài ra, để quản lý trên diện rộng đất nước 100 triệu dân thì không thể dùng biện pháp thủ công, mà phải áp dụng công nghệ, gắn với đề cao ý thức nhân dân.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói Việt Nam phải chấp nhận thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu hoàn toàn mầm bệnh.
"Không thể đưa số nhiễm của TP HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn, nhưng phải kiểm soát được vấn đề tử vong. Để làm được điều đó, Việt Nam cần ba tiêu chí là tỷ lệ bao phủ vaccine, chỉ số về mức độ lây nhiễm và chỉ số đáp ứng của hệ thống y tế", ông Long nói.
Theo lãnh đạo ngành y tế, muốn chuyển sang "thích ứng an toàn" với dịch bệnh, không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vaccine. Trường hợp hệ thống y tế không đáp ứng nổi, thì nâng cấp độ dịch và triển khai các biện pháp ngặt nghèo hơn. "Điều quan trọng là giải pháp thống nhất trên toàn quốc, chấm dứt chuyện ngăn sông cấm chợ và mỗi nơi một kiểu", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Ông Long cũng cho biết Việt Nam đã phải vượt qua nhiều khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu vaccine, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đứng thời hạn, giá mua không được tính lại... Nhưng với Nghị quyết 21, Chính phủ đã mở đường cho tiếp cận vaccine và từ tháng 5, việc này được triển khai nhanh hơn.
"Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vaccine của các tổ chức với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Long nói.
Bộ trưởng Y tế thông tin, Việt Nam sẽ tham khảo, nghiên cứu để từng bước tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, sau đó sang năm có thể mở rộng tiêm cho trẻ trên 3 tuổi.
Ngoài ra, bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định "tự tin trong việc chủ động vaccine vào năm 2022". Đồng thời, thuốc điều trị cũng sẽ chủ động nhờ Quốc hội, Chính phủ cho phép nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung.
Quốc hội dành phiên thảo luận sáng nay (21/10) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hoàng Thùy - Viết Tuân