Nhà chức trách chưa cho biết sẽ điều chỉnh nội dung gì và bao giờ điều chỉnh.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay tinh thần của siết chặt quản lý giấy đi đường là để kiểm tra, không phải để phạt. Việc này sẽ giúp phát hiện và xử lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong giãn cách.
"Đây là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bùng phát rộng", ông Quyền nói và mong người dân, các cơ quan, tổ chức hợp tác, chia sẻ.
![Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ đi đường của người dân trên đường Nguyễn Chí Thanh, sáng 9/8. Ảnh: Ngọc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/09/kie-m-tra-Gia-y-di-du-o-ng-Ngu-2760-7803-1628524515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lh-N-WWkwEKeQi4aoSICXg)
Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ đi đường của người dân trên đường Nguyễn Chí Thanh, sáng 9/8. Ảnh: Ngọc Thành.
Trước hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số chốt kiểm soát giấy đi đường, ông Quyền cho biết thành phố sẽ điều chỉnh, song tiếp tục siết chặt quản lý để "bảo đảm xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng".
Lãnh đạo thành phố yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trong thời gian ngắn nhất, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý.
Trước đó tối 8/8, Hà Nội phát đi văn bản việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, tại các chốt kiểm tra, người dân phải xuất trình thêm giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị còn phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Hôm nay, lực lượng kiểm soát tại các chốt ở nội đô chỉ kiểm tra nhắc nhở việc hoàn thiện các giấy tờ theo quy định mới, chưa xử phạt. Tuy nhiên, một số chốt trên các trục đường chính dẫn vào nội đô xảy ra hiện tượng ùn ứ cục bộ.
![Người dân xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường tại trụ sở phường Dịch Vọng Hậu, chiều 9/8. Ảnh: Viết Tuân.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/09/xe-p-ha-ng-xin-gia-y-jpeg-3507-1628524515.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z9VlJCzWYoteedcrpWRA1w)
Người dân xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường tại trụ sở phường Dịch Vọng Hậu, chiều 9/8. Ảnh: Viết Tuân.
Chiều cùng ngày, một số phường có cảnh người dân xếp hàng đợi làm thủ tục xác nhận giấy đi đường theo mẫu mới; thậm chí có nơi còn giải quyết thủ tục cho người dân đến tối.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng việc ban hành quy định siết chặt cấp, sử dụng giấy đi đường tạo ra ba bất cập. Thứ nhất, quy định ra cuối tuần và không có hướng dẫn cụ thể khiến người dân có cách hiểu khác nhau. Thứ hai việc soát xét giấy tờ ở một số chốt khiến những nơi này thành điểm tụ tập đông người, mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội. Cuối cùng, việc một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả chính quyền phường dẫn tới việc tập trung đông người ở trụ sở phường, xã.
Biện pháp siết chặt đi lại được chính quyền đưa ra trong bối cảnh thành phố liên tục ghi nhận 50-70 ca Covid-19 mỗi ngày. Tính từ đầu đợt dịch thứ tư, thành phố ghi nhận 1.853 ca, trong đó gần 1.100 ca cộng đồng, hơn 750 ca ở khu cách ly.
Võ Hải