Các quan chức giấu tên của Mỹ và Arab Saudi hôm nay cho biết Riyadh phải đối mặt với những đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) từ phiến quân Houthi ở Yemen với tần suất trên dưới 10 quả/tuần suốt nhiều tháng qua.
Quân đội Arab Saudi đánh chặn phần lớn đòn tấn công này nhờ hệ thống phòng không Patriot, nhưng kho dự trữ tên lửa đang ở mức thấp nguy hiểm, nhóm quan chức này tiết lộ. Điều này khiến giới chức Arab Saudi lo ngại là những đợt tấn công dồn dập có thể gây thiệt hại nặng cho cơ sở hạ tầng dầu khí thiết yếu của nước này nếu lá chắn Patriot không còn đạn.
Chính phủ Arab Saudi đang đề xuất Mỹ bán hàng trăm tên lửa đánh chặn do Raytheon sản xuất để bổ sung cho hệ thống Patriot, đồng thời tiếp cận các nước Vùng Vịnh và châu Âu để tìm thêm nguồn hàng.
Hai quan chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đang xem xét hợp đồng bán tên lửa Patriot trực tiếp cho Riyadh, cũng như phê duyệt thỏa thuận chuyển giao vũ khí giữa các nước đồng minh với Arab Saudi.
"Mỹ cam kết hỗ trợ Arab Saudi bảo vệ lãnh thổ, trong đó có đối phó tên lửa và UAV của phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Arab Saudi và các nước đối tác nhằm bảo đảm không có lỗ hổng trong lưới phòng không", quan chức cấp cao Mỹ cho hay.
Bộ Ngoại giao Mỹ và tập đoàn Raytheon từ chối bình luận về thông tin trên.
Số vụ tấn công nhằm vào Arab Saudi đã tăng đáng kể, với 29 UAV và 11 tên lửa đạn đạo tập kích trong tháng 11, con số này hồi tháng 10 lần lượt là 25 và 10. Hồi tháng 2/2020, Arab Saudi chỉ ghi nhận 5 tên lửa đạn đạo và một UAV tấn công.
Đặc phái viên Mỹ về Yemen Timothy Lenderking tuần trước cho biết phiến quân Houthi đã thực hiện 375 cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào Arab Saudi trong năm 2021.
Đánh chặn UAV có giá chỉ 10.000 USD bằng tên lửa Patriot trị giá hàng triệu USD mỗi quả được coi là biện pháp không bền vững về ngân sách dài hạn. "Đòn tấn công bằng UAV vũ trang của phiến quân là mối đe dọa quá mới, các biện pháp đối phó chúng vẫn chưa hoàn thiện", một quan chức Arab Saudi cho hay.
Xung đột nổ ra ở Yemen từ cuối năm 2014 khi phiến quân Houthi chiếm nhiều phần lãnh thổ nước này, bao gồm cả thủ đô Sanaa, đe dọa chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi đang sống lưu vong.
Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu triển khai chiến dịch can thiệp quân sự vào Yemen từ tháng 3/2015 để đẩy lùi Houthi, khôi phục chính phủ của Hadi. Để đáp trả, phiến quân Houthi thường dùng tên lửa, UAV tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Arab Saudi và các nước liên quân.
Với sự hậu thuẫn của Iran, lực lượng Houthi đã tự sản xuất được hàng loạt UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với những chiến dịch quân sự và đòn không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu.
Vũ Anh (Theo WSJ)