Video được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 30/3 cho thấy tiêm kích hạng nặng F-15 Arab Saudi phóng tên lửa hạ máy bay không người lái (UAV) Qasef-2K của phiến quân Houthi, Yemen.
Thời điểm diễn ra sự việc không được công bố, nhưng quân phục của lực lượng trong hình cho thấy họ là lính biên phòng Arab Saudi, nhiều khả năng video được quay ở biên giới Arab Saudi với Yemen.
Trong video, lính biên phòng Arab Saudi quan sát chiếc Qasef-2K bay phía trên đầu. Một tên lửa không đối không lao đến ngay sau đó và phát nổ bên dưới UAV, khiến nó bị hư hại và rơi xuống đất. Một tiêm kích F-15 xuất hiện trong hình ở độ cao khá nhỏ, dường như là phi cơ đã phóng đạn bắn hạ chiếc Qasef-2K.
Hình ảnh trong video cho thấy nhiều khả năng tiêm kích Arab Saudi đã phóng tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM với giá hơn một triệu USD/quả. Giới chuyên gia quân sự tỏ ra khó hiểu khi phi công chọn khai hỏa tên lửa AIM-120 đắt tiền, thay vì phóng đạn tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder có giá rẻ hơn và phù hợp cho mục tiêu tầm gần như trường hợp này.
Phiến quân Houthi ở Yemen gần đây liên tục phóng tên lửa và UAV vào lãnh thổ Arab Saudi. Quân đội Arab Saudi bắn hạ phần lớn mục tiêu, nhưng chi phí cho hoạt động đánh chặn là rất lớn và không hiệu quả về kinh tế, nhất là khi mục tiêu là những phi cơ không người lái có giá ước tính chỉ vài nghìn USD.
Lực lượng Houthi đã tự sản xuất được hàng loạt UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đủ sức tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Arab Saudi, bất chấp nhiều năm đối phó với chiến dịch quân sự và đòn không kích của liên quân do Riyadh dẫn đầu.
Sự phổ biến của UAV cũng mang tới nhiều mối đe dọa, trong khi chưa có phương án đối phó thật sự hiệu quả. Chúng thường có giá tương đối rẻ và mang được lượng thuốc nổ đủ lớn để gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự quan trọng. Tầm bay và độ chính xác của UAV giá rẻ cũng ngày càng được nâng cao.
Đây được coi là kịch bản ác mộng với mọi quốc gia, khi hàng chục đầu đạn giá rẻ cùng lao tới mục tiêu từ nhiều hướng, trong đó có những khí tài chuyên gây nhiễu radar và số khác có nhiệm vụ gây quá tải hệ thống phòng không đối phương.
"Chi phí đầu tư luôn có lợi cho bên tấn công. Arab Saudi phải bỏ ra nhiều tiền của hơn đối thủ nếu muốn bảo vệ đất nước khỏi những đợt tấn công", Justin Bronk, chuyên gia ở Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nhận định.
Vũ Anh (Theo Drive)