Trả lời:
Sóc nhà nuôi có khả năng mang bệnh dại tương tự chó, mèo. Do đó, bạn vẫn cần tiêm ngừa đầy đủ.
Phác đồ tiêm dại sẽ khác nhau dựa trên lịch sử tiêm chủng của bạn. Việt Nam hiện có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Nếu tiêm dại lần đầu, phác đồ tiêm trong 5 ngày 0-3-7-14-28 sau khi bị cắn đối với tiêm bắp hoặc 4 ngày 0-3-7-28 sau khi bị cắn đối với cách tiêm trong da.
Nếu bạn đã tiêm đủ phác đồ tiêm vào lần cắn trước, các lần sau chỉ cần tiêm bổ sung 2 mũi cách nhau 3 ngày, không cần tiêm huyết thanh kháng dại.
Bạn cũng cần rửa vết thương ngay khi bị cắn để giảm thiểu lượng virus dại đi vào cơ thể. Cách rửa vết thương được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bao gồm: rửa bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong vòng 15 phút; sau đó bôi chất sát trùng như cồn, cồn iot để làm giảm lượng virus tại vết cắn. Bạn có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như cồn, rượu, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Với các vết thương do động vật nghi dại cắn, tránh gây trầy xước thêm vết thương, khiến virus dễ đi vào cơ thể hơn.
Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tấn công hệ thần kinh trung ương, Tỷ lệ tỷ vong gần 100% khi phát bệnh do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, động vật hoang dã và vật nuôi như chó, mèo... là ổ chứa virus dại.
Virus dại truyền sang người thông qua vết cắn, cào, liếm, không phân biệt kích thước của động vật lớn hay nhỏ. Vaccine dại là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có. Người nuôi thú cưng, thường xuyên tiếp xúc động vật có thể chủ động phòng ngừa dại trước khi bị cắn với phác đồ tiêm 3 mũi. Nếu bị cắn sau khi tiêm dự phòng, chỉ cần tiêm 2 mũi, không cần huyết thanh kháng dại.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC