Thời tiết liên tục chuyển từ mưa dông sang nắng nóng vào cuối tháng 12/2023 khiến ông Hoàng Minh (67 tuổi, TP HCM) cảm thấy rất khó chịu. Chỉ sau một ngày, ông bắt đầu ho, mệt mỏi, tăng dần thành khó thở, đau ngực. Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ chẩn đoán ông mắc cúm gây viêm phổi, suy hô hấp do bội nhiễm phế cầu, điều trị tích cực ba ngày mới ổn định.
Còn chị Hà Anh (45 tuổi, Hà Nội) vừa kết thúc điều trị tại một bệnh viện tư nhân do viêm phổi sau mắc cúm A. Chị cho biết cảm thấy rất mệt mỏi, mệt hơn so với khi mắc Covid-19, sốt cao liên tục khiến cơ thể rã rời, chỉ muốn nằm ngủ. Sau một ngày điều trị tại nhà không thuyên giảm, Hà Anh được người nhà đưa đi cấp cứu.
BS.CKII Mã Thanh Phong, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh tương tự khi thời tiết chuyển mùa. Trong đó, ca bệnh là phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, có bệnh nền... được chú ý nhiều hơn do có miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm miễn dịch.
Theo bác sĩ Phong, cúm và viêm phổi là "cặp đôi" liên quan mật thiết với nhau. Nhiễm cúm khiến niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, thuận lợi cho vi khuẩn phế cầu trú ở vùng hầu họng xâm nhập, tàn phá phổi. Nếu người bệnh vừa bội nhiễm virus cúm và phế cầu khuẩn, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp 8 lần.
Một số tác nhân gây bệnh phổ biến khác như Adeno, hợp bào hô hấp (RSV), Covid-19... cũng ảnh hưởng tới phổi. Phế cầu khuẩn phổ biến gây viêm phổi và tử vong cao khi mắc. Bài nghiên cứu về gánh nặng của bệnh do phế cầu, đăng trên tạp chí Lancet năm 2018, chỉ ra mầm bệnh này liên quan hơn 300.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2015. Ngoài ra, phế cầu gây viêm màng não, viêm tai giữa, có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh.
Bên cạnh đó, các tác nhân bệnh truyền nhiễm đồng thời khiến sức đề kháng giảm sút và gây rối loạn đường hô hấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn khác tấn công gây bội nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong.
Do đó, đề phòng nguy cơ viêm phổi do bội nhiễm các loại vi khuẩn sau mắc virus, bác sĩ Phong khuyến cáo người dân nên tiêm phòng các bệnh đã có vaccine gồm cúm, phế cầu, Hib, não mô cầu, bạch hầu, ho gà... Ngoài ra, mọi người nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách khi đến nơi đông người, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa, che chắn vùng mũi - miệng khi ho và hắt hơi, tránh hút hoặc hít khói thuốc lá.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết tỷ lệ tiêm ngừa vaccine cúm, phế cầu khuẩn thực tế chưa cao so với dân số chung. Bên cạnh đó, nhiều trẻ chậm tiêm chủng do gia đình chưa đủ năng lực tài chính, nguồn vaccine miễn phí còn khan hiếm...
Thống kê của CDC Mỹ, trong mùa cúm 2022-2023, chưa đến một nửa (47%) người trưởng thành ở Mỹ được tiêm vaccine cúm. Với vaccine phế cầu, chưa đến 1/4 người trưởng thành đã từng tiêm vaccine này. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Công ty CP Eplus Research, tỷ lệ tiêm vaccine cúm mới đạt 9% trong năm 2023.
Bác sĩ Chính cảnh báo trẻ em và người lớn đều cần tiêm vaccine đầy đủ. Lý do là người lớn thường phải tiếp xúc xã hội cao, nếu mắc bệnh sẽ là nguồn lây bệnh trực tiếp cho người thân trong gia đình, người sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém.
Nghiên cứu từ các tổ chức như WHO, CDC Mỹ, vaccine phòng các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, phế cầu, ho gà... góp phần quan trọng bảo vệ lá phổi, đường hô hấp, cũng như cải thiện mức độ lây lan cũng như các biến chứng nặng ở nhóm nguy cơ cao.
Vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác. Một mũi tiêm ngừa giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện, 74% tỷ lệ chăm sóc đặc biệt ở trẻ.
Chủng ngừa phế cầu có hiệu quả đến 97% phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, tạo miễn dịch bảo vệ từ 23-49% chống lại các virus hô hấp liên quan đến viêm phổi. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tiêm phòng cúm làm giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh, từ đó giảm chi phí điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số vaccine khác cũng có tác dụng phòng mầm bệnh gây viêm phổi như: mũi tiêm năm trong một, sáu trong một phòng bạch hầu, ho gà, Hib...
Mộc Thảo
Với hệ thống gần 160 trung tâm tiêm chủng trên cả nước, VNVC đang có đầy đủ hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn. Toàn bộ vaccine được bảo quản trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh (cold chain) đạt chuẩn quốc tế đảm bảo an toàn và hiệu quả. Khách hàng đến VNVC sẽ được khám sàng lọc và thực hành tiêm chủng bởi đội ngũ hơn 8.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, giỏi tay nghề