"Những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này phải thở máy từ hai tuần đến một tháng. Trong khi đó nếu có thuốc thì chỉ cần 2-3 ngày, người bệnh có thể ra viện", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, nói hôm 14/9.
Trung tâm cũng đang điều trị hai bệnh nhân ngộ độc asen - một loại chất rất độc hại. Họ đã được sử dụng hai loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này có tác dụng phụ và gây dị ứng nghiêm trọng. Hiện không có thuốc giúp đào thải asen khỏi cơ thể hai người bệnh.
"Có những loại thuốc tốt hơn nhưng bệnh viện không thể mua ngay để điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, các thuốc giải độc cơ bản nhất cho nhóm bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, ngộ độc cồn công nghiệp methanol... hiện nay cũng thiếu", bác sĩ nói.
Trung tâm Chống độc Bạch Mai là một trong hai đơn vị đầu ngành về điều trị ngộ độc của cả nước, với khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị mỗi năm, đa số bị triệu chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Đơn vị này từng cấp cứu nhiều ca ngộ độc đặc biệt, phức tạp như hóa chất bảo vệ thực vật, rắn độc cắn, ong đốt, nấm độc, thực vật độc...
Theo bác sĩ Nguyên, thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Thuốc có thể làm đảo ngược tình trạng ngộ độc nặng để nhanh chóng trở về trạng thái bình thường, cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong.
"Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp điều trị có thể để giúp bệnh nhân nhưng hiệu quả rất hạn chế. Chúng tôi rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh", ông Nguyên cho hay.
Tình trạng này cũng xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) - đơn vị chống độc hàng đầu ở phía Nam. Nơi đây đang thiếu thuốc kháng nọc rắn, thuốc thải các loại độc kim loại nặng như thủy ngân. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết đây là những thuốc nhập khẩu nước ngoài, khan hàng từ lâu do khó khăn về nguồn cung ứng.
"Các loại thuốc giải độc thường gặp khác vẫn cơ bản đáp ứng điều trị, thỉnh thoảng thiếu hụt nhưng sau đó bệnh viện xoay xở có được trong thời gian ngắn", bác sĩ Hùng nói.
Chiều 14/9, trả lời VnExpress, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lý giải thuốc giải độc là các thuốc đặc biệt, hiếm, các công ty không muốn nhập về vì lợi nhuận thấp. Ví dụ vụ hàng chục người trên cả nước ngộ độc botulinum do ăn patê chay xảy ra năm 2020, Việt Nam không có thuốc giải độc, phải mua gấp từ Thái Lan về để điều trị cho các bệnh nhân. "Vài năm mới gặp một vụ ngộ độc hiếm như này nên các bệnh viện không thể dự trữ được, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng", ông Cơ nói.
Với huyết thanh kháng nọc rắn độc, một chuyên gia cho biết quy trình sản xuất khá tốn kém, trong khi đó để đầu tư nghiên cứu cho ra sản phẩm đã khó, duy trì được càng khó hơn. Có nhiều loại rắn Việt Nam chỉ gặp một vài trường hợp bị rắn cắn mỗi năm, trong khi chỉ sản xuất vài lọ huyết thanh đòi hỏi phải duy trì dây chuyền công nghệ lớn. Do dùng ít, các thủ tục tái cấp phép bị ảnh hưởng vì không đủ số lượng cần thiết để đánh giá hiệu quả, phản ứng phụ...
Để giải quyết tình trạng này, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Bộ Y tế thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Lý do là số lượng bệnh nhân cần điều trị rất ít ỏi nhưng vẫn cần phải có dự trữ thuốc sẵn sàng khi có ca bệnh. "Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc như Bạch Mai, Chợ Rẫy hoặc bệnh viện ở Đà Nẵng... và điều phối đến các cơ sở y tế toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng", ông Cơ đề xuất.
Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nhìn nhận thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường là rất hiếm, nhu cầu sử dụng rất ít và được chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Các thuốc này cũng không sẵn có về nguồn cung ứng trên thế giới.
"Để đảm bảo có thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở y tế phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc", đại diện Cục Dược đề nghị.
Cục Quản lý Dược đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Dược sẽ ưu tiên giải quyết. Trước đó, Cục Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị nhập khẩu huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
"Để chủ động hơn nữa đối với các thuốc giải độc, thuốc hiếm, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm, đảm bảo nhu cầu điều trị", đại diện Cục Quản lý Dược nói.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4. Tại Hà Nội, các bệnh viện thiếu vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch hai năm qua, quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế gian nan cũng tác động lớn đến nguồn cung thuốc.
Lê Nga - Lê Phương