Người phụ nữ 61 tuổi ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ngày 8/6 cho biết 10 hôm trước bà đến Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ khám bệnh đau nhức xương khớp theo diện bảo hiểm y tế. Bác sĩ kê toa 6 loại thuốc nhưng bệnh viện chỉ còn ba loại là B12, B6 và paracetamol. "Tôi phải ra ngoài mua ba loại còn lại tốn gần 350.000 đồng", bà cho biết và nói rằng nếu thuốc cấp theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) thì bà không phải trả tiền.
Tương tự, một bệnh nhân nam 65 tuổi hai tháng nay khám bệnh tim mạch, tăng huyết áp bằng thẻ BHYT. Theo toa thuốc được bác sĩ kê, bệnh viện thiếu khoảng 40% thuốc, ông phải ra ngoài mua, tốn 300.000-400.000 đồng. "Nói chung các loại thuốc đắt tiền là bệnh viện nói không còn, người bệnh phải ra ngoài mua", ông nói và cho rằng điều này gây thiệt thòi cho người bệnh.
Một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ thừa nhận tình trạng thiếu thuốc tại đây diễn ra khoảng hai tháng qua, thiếu nhiều loại thuốc, nhất là các loại thuốc đặc trị giá cao và thuốc dùng trong phẫu thuật. "Hiện, bệnh viện chạy thuốc như cơm bữa, bác sĩ phải giải thích để bệnh nhân mua ngoài, nếu bệnh nhân không đồng ý thì chuyển tuyến trên chứ chúng tôi đã cố gắng hết cách", vị lãnh đạo này nói. Hiện mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.100-1.200 lượt người đến khám bệnh, nhận thuốc điều trị, giảm 20-30% so với trước.
Tình trạng thiếu thuốc tại Hậu Giang cũng rất căng thẳng. Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cho biết thuốc thiếu nhiều tháng qua, đặc biệt là các thuốc trị viêm gan, ung thư, kháng đông, kháng sinh, thuốc tiểu đường, huyết áp, thuốc an thần... Sở Y tế đấu thầu chỉ được một ít, dùng trong hai tháng. Tuy nhiên, trước đó, do thiếu thuốc nên bệnh viện mượn các công ty dược, bệnh viện khác, khi có phải trả lại nên không còn bao nhiêu.
"Để hạn chế thiếu thuốc, lúc đầu bệnh viện kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ, loại thuốc rẻ thì mua, vận động bệnh nhân mua. Tuy nhiên, đến nay tình hình đã căng thẳng lắm rồi", lãnh đạo bệnh viện nói. Bình thường, mỗi tháng ước tính tổng trị giá số thuốc dùng trong bệnh viện là khoảng 2,5-3,5 tỷ đồng. Theo quy định, thuốc dự trữ trong kho phải gối đầu 2-3 tháng, tương đương 6-10 tỷ đồng, mới đảm bảo đủ các chủng loại phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện trị giá lượng thuốc trong kho của bệnh viện chỉ hơn một tỷ đồng.
Tại Khánh Hòa, ngoài thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thiếu cả vật tư y tế trong nhiều tháng qua, thậm chí thiếu cả băng gạc - một vật dụng y tế quan trọng trong cấp cứu. Nguyên nhân cũng do khó khăn trong đấu thầu mua sắm.
Ở TP HCM, theo Sở Y tế, những tháng trước thiếu thuốc "xảy ra cục bộ", tức thiếu "một vài loại thuốc tại một vài đơn vị". Tháng 5, một số mặt hàng thuốc tại Bệnh viện TP Thủ Đức không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT phải ra ngoài mua thuốc. Hồi tháng 4, Bệnh viện Chợ Rẫy hết một số loại thuốc trong danh mục BHYT chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn 6-15 triệu đồng. Tình trạng này, theo Sở, hiện đã được khắc phục.
Một số bệnh viện khu vực phía Bắc cũng thiếu thuốc trong thời gian dài. Chiều 9/6, người nhà bệnh nhân 57 tuổi, điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Phú Thọ, cho biết phải mua thuốc bên ngoài giá cao. Bệnh nhân này bị ung thư phổi, đã truyền một đợt hóa chất tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ông chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị và vẫn sử dụng đơn thuốc cũ nhưng "giá tăng chóng mặt", bảo hiểm chỉ chi trả 50%.
Ví dụ, liều hóa chất ở Bệnh viện Phổi có giá 12 triệu đồng, ông về bệnh viện tỉnh tốn 24 triệu đồng vì phải đặt mua ở ngoài, bệnh viện không có sẵn. Một số thiết bị khác như catheter hết, gia đình phải ra ngoài mua với giá gần hai triệu đồng, trong khi giá lâu nay ông phải trả là khoảng 900.000 đồng. "Hộp cơm giá 25.000 đồng mình còn kỳ kèo trả giá nhưng tiền thuốc có đắt cũng phải cắn răng mua để chữa bệnh, rất thiệt thòi cho người dân", người nhà bệnh nhân này nói.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết nhận nhiều phản ánh tại bệnh viện có thiếu thuốc, đang "làm báo cáo để phản hồi". Trong khi đó, Sở Y tế Bắc Giang cho biết không thiếu thuốc do đấu thầu tập trung từ năm ngoái đảm bảo cung cấp đủ cho các bệnh viện nhưng thiếu một số vật tư chuyên biệt như đinh, nẹp, stent hoặc thiết bị điều trị những bệnh khó. Sở Y tế Hà Giang cũng nói rằng không thiếu thuốc nhưng thiếu một số sinh phẩm xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm do đấu thầu chưa xong. "May mắn tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, dự kiến cung cấp đủ trong tuần tới", theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này.
Như vậy, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đang xảy ra trên cả nước. Trả lời VnExpress ngày 9/6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã ghi nhận tình trạng thiếu thuốc và đang có chỉ đạo cụ thể đến các địa phương. Tuy nhiên ông không đánh giá tình trạng thiếu như thế nào và giải pháp khắc phục. Trước đó, ngày 3/6, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế gia hạn hơn 6.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc, tạo điều kiện để các nhà cung ứng có thể tiếp tục nhập khẩu, sản xuất thuốc trong bối cảnh đang thiếu.
Trong khi đó, tất cả địa phương, bệnh viện đều chỉ ra nguyên nhân chủ yếu tình trạng thiếu thuốc là do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm.
Ông Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết nguồn thuốc men, vật tư y tế của bệnh viện nhập từ nước ngoài. Sau hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, nhu cầu sử dụng thuốc men của bệnh viện tăng, nguồn hàng trở nên khan hiếm và giá cao. "Quy định của nhà nước là có giá đấu thầu thuốc và vật tư y tế, có giá kê khai, trong khi đơn vị cung ứng chưa kê khai được nên chưa bán được", ông Hà giải thích.
Theo ông Nguyễn Đình Thoan, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, các bệnh viện tỉnh đang xúc tiến hồ sơ đấu thầu. Giá kế hoạch được xây dựng trong kế hoạch đấu thầu thuốc (giá muốn mua) đang thấp hơn giá của công ty muốn bán. Nhiều mặt hàng thuốc mà bệnh viện muốn mua số lượng lớn, giá trị cao nhưng không có công ty cung ứng nào tham gia. "Khi xây dựng giá kế hoạch để trình Sở Y tế, một số mặt hàng thuốc chưa tăng giá. Đến khi bệnh viện mở thầu, giá cũ này không còn phù hợp với giá thuốc mới của công ty vừa trúng thầu", ông Thoan cho biết.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cũng cho rằng một số trường hợp khách quan không lựa chọn được sản phẩm trúng thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch (sau dịch bệnh có một số mặt hàng tăng giá); một số thuốc hiếm không còn được sản xuất. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong năm 2021-2022 ảnh hưởng đến công tác cung ứng mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị của bệnh viện. Bộ phận hậu cần của bệnh viện tập trung tối đa nguồn lực phục vụ cho phòng chống dịch và giải quyết các vấn đề sau dịch bệnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay số lượng bệnh nhân tăng nhanh tại hầu hết bệnh viện sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nên dẫn tới việc thiếu hụt cục bộ một số mặt hàng thuốc, vật tư y tế.
"Trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước, ít nhiều có tâm lý lo lắng của các nhà quản lý bệnh viện khi tiến hành đấu thầu mua sắm theo quy định", đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết. Khó khăn khi công tác thanh, kiểm tra việc mua sắm được siết chặt này cũng được ông Hà ở bệnh viện Khánh Hòa chia sẻ: "Phía đơn vị cung ứng cũng chưa muốn bán nữa".
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng "hy vọng có cơ chế điều chỉnh" do gặp nhiều vấn đề trong việc mua sắm thiết bị, nhất là giá cả. Còn theo đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, thiếu vật tư hoặc thiết bị điều trị những bệnh khó là do không đấu thầu tập trung hoặc không thể mua vì hết hàng. Ngoài ra, nhiều thiết bị không có giá công khai trên cổng mua sắm quốc gia thì không được mua, hoặc nhiều đơn vị không cung cấp báo giá. "Thông thường, quy trình đấu thầu chờ đến 6 tháng, mất nhiều thời gian", vị này cho biết. Cơ quan chuyên môn phải rà soát nhiều lần, nhất là giá cả để đảm bảo chính xác, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Một số nguyên nhân khác, theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM là các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia thực hiện chưa có kết quả, dẫn tới bị động trong cung ứng thuốc tại cơ sở y tế. Đơn cử, những thuốc cho bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy là thuộc nhóm thuốc đàm phán giá quốc gia, thiếu do đấu thầu bị chậm. Bệnh viện tìm phương án, mua vượt một trong số thuốc bị thiếu và mua sắm theo hình thức chỉ định thầu những loại còn lại để nhanh chóng có thuốc, sau đó mới đấu thầu rộng rãi theo quy định.
Ngoài ra, nhiều thuốc chưa được Bộ Y tế gia hạn số đăng ký nên các nhà cung ứng không thể nhập khẩu, sản xuất kịp thời. Bên cạnh đó, nghị định 98/2021 của Chính phủ vừa ban hành có nhiều nội dung mới nên nhiều nhà thầu không kịp đáp ứng hồ sơ, giấy tờ theo quy định.
Trước tình hình trên, các địa phương đang loay hoay tự tìm cách tháo gỡ nhưng cũng gặp nhiều vướng mắc. Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ đang đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2022 phục vụ điều trị của đơn vị và các trạm y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều, tổng dự toán hơn 270 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy trình thủ tục theo quy định phải mất khoảng ba tháng mới có thuốc. Nơi này đang kiến nghị UBND TP Cần Thơ cho mua trước một ít thuốc trong khi chờ thầu với tổng giá trị hơn 50 tỷ đồng, để phục vụ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Trong khi chờ Sở Y tế đấu thầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang vừa làm tờ trình xin cho mua thuốc áp thầu trị giá khoảng một tỷ đồng để phục vụ điều trị, nhưng "số lượng này cũng không thấm vào đâu", theo lãnh đạo bệnh viện. Đối với trường hợp cấp cứu khẩn cấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phải dùng nguồn tiền từ các nhà tài trợ để mua thuốc bên ngoài.
Một số địa phương khác đang tìm cách như đấu thầu sớm hoặc không đấu thầu tập trung. Chẳng hạn, Nghệ An đang đấu thầu tập trung 129 mặt hàng bắt buộc, còn các mặt hàng khác thì đơn vị chủ động bởi mỗi viện có nhu cầu khác nhau, đa khoa khác chuyên khoa. Lãnh đạo Sở cho biết trong năm tới, tỉnh sẽ để các đơn vị tự đấu thầu để phù hợp và chủ động điều trị cho bệnh nhân.
Đại diện Sở Y tế TP HCM kiến nghị Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời, cần cập nhật các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 98/2021 của Chính phủ liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Địa phương này cũng dự định tái lập Trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tếtheo hướng chuyên nghiệp, quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu rất lớn của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Nhóm phóng viên