WSO vinh danh các trung tâm đột quỵ theo ba tiêu chuẩn gồm vàng, bạch kim và kim cương. Tổ chức này đánh giá chất lượng điều trị đột quỵ theo từng quý. Bệnh viện Nhân dân Gia Định báo cáo các số liệu, quy trình điều trị lên hệ thống WSO từ quý ba năm 2020.
Bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết bệnh viện là một trong ba nơi đầu tiên tại TP HCM sử dụng thuốc tiêu sợi huyết rTPA để điều trị đột quỵ. Những năm qua, bệnh viện áp dụng các chuẩn điều trị đột quỵ theo hướng dẫn của thế giới.
Năm 2020, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.600 bệnh nhân đột quỵ, khoảng 16% bệnh nhân đến trong thời gian vàng, được điều trị tái thông kịp thời, cứu được não, hồi phục tốt. Năm 2019, tỷ lệ này là 13%.
![Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam trao chứng nhận cho bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/04/08/chu-ng-nha-n-va-ng-1617868189-9620-7570-1617868409.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oA8NQfz_y6PIgUO_xMpcPg)
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam (bên phải) trao chứng nhận cho bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Lê Phương.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cho biết chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ dựa trên các khuyến cáo tốt nhất hiện nay dành cho bệnh nhân, mục tiêu nâng cao chất lượng của các trung tâm trên toàn thế giới.
"Với nguồn lực, khả năng chuyên môn, Nhân dân Gia Định hoàn toàn có thể sớm đạt được các chuẩn cao hơn như bạch kim, kim cương, để mang lại lợi ích nhiều hơn cho bệnh nhân", phó giáo sư Thắng nói.
Chứng nhận vàng đòi hỏi nhiều tiêu chí, từ lúc bệnh nhân nhập viện điều trị giai đoạn cấp cho đến điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện. Chẳng hạn, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị đặc hiệu tái thông mạch chiếm trên 5%. Thời gian trung bình từ khi bệnh nhân đến cửa bệnh viện đến khi được điều trị tái thông mạch là dưới 60 phút.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện đang cải thiện một số tiêu chỉ nhỏ để sớm đạt được chứng nhận bạch kim, giúp người bệnh ngày càng được điều trị tốt hơn theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nơi này cũng đang hoàn thành chương trình lấy chứng nhận đơn vị điều trị suy tim theo tiêu chuẩn của Hội Tim mạch Mỹ.
Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) là đơn vị đầu tiên của châu Á được trao chứng nhận Chất lượng Điều trị vàng vào tháng 4/2019. Sau đó, một số bệnh viện lớn tại Việt Nam đạt được chứng nhận này.
Hiện, bản đồ mạng lưới đột quỵ tại TP HCM có 27 cơ sở, gồm một trung tâm, 18 đơn vị và 8 đội đột quỵ đặt tại các bệnh viện. Sở Y tế TP HCM đang đặt mục tiêu điều trị dưới 60 phút cho bệnh nhân đột quỵ, bao gồm toàn bộ quá trình, từ khi cấp cứu 115 tiếp cận người bệnh tại hiện trường, xử trí ban đầu, vận chuyển, cho đến khi có chỉ định can thiệp tại bệnh viện.
Theo thống kê của thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nhiều người may mắn sống sót nhưng chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tàn phế, cuộc sống cần có người chăm sóc thường xuyên.
Cấp cứu trong "thời gian vàng" 3-4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng cơ hội hồi phục. Hiện, Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới. Nhiều trung tâm đã sử dụng hình ảnh học tiên tiến để chẩn đoán đột quỵ, điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật hiện đại như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ... Gần đây với sự trợ giúp của phần mềm RAPID ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian cứu não có thể lên 24 giờ.
Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Khi ấy cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ.
Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì, không cạo gió, giật tóc hay nặn chanh vào miệng... Lấy bỏ các vật trong miệng người bệnh hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở. Nếu bệnh nhân bị liệt một bên, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành. Bệnh nhân không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) đến khi tim đập lại.
Nhóm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Một số yếu tố khác là béo phì, hút thuốc lá, người bệnh tim mạch, nghiện rượu bia, từng có cơn thiếu máu não thoáng qua...